Nghi vấn có "thế lực" đang giữ giá căn hộ?

Theo VTC

Nguồn cung bất động sản dư thừa, trong khi giá căn hộ vẫn cao, nhiều đại biểu đặt nghi vấn “đang có một thế lực giữ giá căn hộ”.

Nghi vấn có "thế lực" đang giữ giá căn hộ?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại hội thảo tìm giải pháp “phá băng” thị trường bất động sản do Ủy ban kinh tế của Quốc hội tổ chức 24/1, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã trình bày nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc, trong đó có cả nội dung liên quan đến nghi vấn có “thế lực” đang cố giữ giá căn hộ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề, thực trạng bất động sản có quá nhiều bí ẩn và người cứu chưa bắt đúng mạch của con bệnh. Nguồn cung bất động sản quá lớn. Thậm chí có ý kiến cho rằng, lượng căn hộ hiện đáp ứng được nhu cầu về nhà ở đến tận năm… 2050. Nhưng giá bất động sản vẫn cao.

“Phải chăng đang có một “thế lực” đang giữ giá căn hộ và có nhóm lợi ích đang thao túng về giá?”, đại biểu Hòa đặt câu hỏi.

Theo ông Hòa, băng ở thị trường bất động sản có một phần vốn nhà đầu tư nước ngoài, người đầu cơ trục lợi, có nên đặt vấn đề giải cứu hay cần coi là sự điều chỉnh tất yếu trong xã hội.

Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Dũng cho hay, Bộ vẫn đang đánh giá về hàng tồn kho để dữ liệu chính xác hơn.

“Tất cả các chính sách đưa ra đều vì nền kinh tế, không vì lợi ích nhóm”, Bộ trưởng khẳng định.

Hàng tồn kho theo Bộ trưởng là những sản phẩm chưa được giao dịch mặc dù đã hoàn thành. Trường hợp dự án có người mua nhưng hạ tầng chưa có thì không được xếp vào tồn kho.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng lý giải, thị trường đóng băng ở TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam xảy ra trước miền Bắc, từ năm 2008 đến nay, nên mức giảm giá mạnh hơn.

Giá bất động sản tại Hà Nội hiện giảm được ít nhất 5%, đất nền có dự án giảm tới 50% (từ 200 triệu đồng xuống còn 100 triệu đồng/m2), chung cư giảm 15-29%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận, mức giảm chưa phù hợp, nhà đầu tư vẫn lãi cao.

Đại biểu Lê Nam cũng yêu cầu bóc tách phần hệ quả của hoạt động đầu cơ chộp giật, đẩy giá, thậm chí là tham nhũng trong khối băng bất động sản vì nhà nước không “gánh” hết lượng hàng tồn kho trong thị trường.

Trong trường hợp đó, theo ông Nam, để thị trường tự giải quyết sẽ có lợi cho người dân hơn. Nhà nước cố sức gánh nhưng không đủ tiềm lực, khả năng sẽ chỉ càng làm kéo dài thêm những bức bối của bất động sản hiện nay.

Bộ trưởng Dũng cũng đồng tình với nhận định của đại biểu về yếu tố đầu cơ nâng giá. Vì chi phí đầu tư hiện vẫn còn yếu tố chưa rõ, không thể tính hết nên cơ quan quản lý chỉ dự báo, bóc gỡ được 1 khoản tương đối.

Về việc chính sách giải cứu có bảo vệ “lợi ích nhóm” hay không, ông Dũng khẳng định, các giải pháp đưa ra hoàn toàn vì mục đích gỡ khó cho nền kinh tế.

“Tìm ra điểm nghẽn của nền kinh tế nằm ở bất động sản thì cần can thiệp để cân bằng lại cung cầu. Bảo vệ lợi ích doanh nghiệp cũng là vì lợi ích của xã hội, của người dân vì doanh nghiệp có tiếp tục sản xuất mới làm ra sản phẩm, giá trị, đóng thuế, giải quyết việc làm…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.