“Nghịch lý” khối ngoại bán ròng

Theo Khánh Hà VnEconomy

Những con số khá rời rạc nhưng được nhắc đến nhiều là khoảng 7 tỷ USD đã “chảy ngược” ra khỏi các thị trường mới nổi trong tuần đầu của tháng 2/2011.

 

Tỷ giá tăng thêm 9,3% được xem là liều thuốc kích thích dòng vốn ngoại mới đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên vốn mới đến giờ chưa thấy đâu, còn khối ngoại đang bán ròng.

Theo thống kê đến hôm qua (15/2), nhà đầu tư nước ngoài đã có phiên bán ròng thứ 4 liên tục. Tổng giá trị bán ròng trên cả HNX và HSX đạt 64,73 tỷ đồng (tính cả giao dịch thỏa thuận). Thực ra con số này cũng không có gì lớn vì chỉ tính riêng từ đầu tháng 2 sau kỳ nghỉ tết, giá trị vốn mua ròng vẫn là +184,4 tỷ đồng. Gần 2 tháng đầu năm 2011, giá trị vốn mua ròng đạt 1.741,23 tỷ đồng.

Rõ ràng hoạt động bán ròng vài phiên trở lại đây là có, nhưng cũng chưa thể hiện xu hướng gì cụ thể. Tuy nhiên do diễn biến này xảy ra đúng lúc tỷ giá được tăng lên đã gây sự chú ý nhiều hơn.

Mặt khác, liên tục trong hơn một tuần gần đây, khá nhiều báo cáo của tổ chức nước ngoài cho thấy hoạt động rút vốn mạnh của nhà đầu tư tại các thị trường chứng khoán mới nổi. Những con số khá rời rạc nhưng được nhắc đến nhiều là khoảng 7 tỷ USD đã “chảy ngược” ra khỏi các thị trường này trong tuần đầu của tháng 2/2011. Ở các thị trường quanh Việt Nam, Indonesia, Thái Lan cũng bị rút vốn vài chục triệu USD trong tuần.

Việc Việt Nam giảm giá đồng nội tệ về lý thuyết sẽ khuyến khích dòng vốn mới chảy vào. Với nhà đầu tư nước ngoài đang nằm trong thị trường, giá trị tài sản ngược lại sẽ bị âm một cách “tự nhiên”. Biến động về giao dịch của khối ngoại hàng ngày khó có thể nói là phản ánh chính xác quan điểm về vấn đề tỷ giá.

Xu hướng giảm giá tiền đồng gần như là chắc chắn hàng năm. Nếu nhà đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm đến thị trường Việt Nam hẳn không thể không lường trước xu hướng này. Một bằng chứng rõ ràng là tháng 12/2010 và tháng 1/2011, khi thông tin khả năng tăng tỷ giá lan rộng và cơ quan quản lý khẳng định sẽ không có thay đổi cho đến Tết, vốn ngoại vẫn mua vào rất mạnh. Riêng tháng cuối năm 2010, đã có khoảng 3.117,4 tỷ đồng giá trị ròng được rót vào thị trường. Thậm chí khối ngoại mua ròng liên tục bất chấp giá nhiều cổ phiếu đã đạt đỉnh.

Việc nâng tỷ giá lên có thu hút thêm dòng vốn ngoại mới vào hay không chưa thể khẳng định, cũng như chưa có biểu hiện cụ thể trên thị trường hàng ngày. Cũng tương tự, việc khối ngoại bán ròng 4 phiên vừa qua với giá trị nhỏ có thể chỉ là hoạt động cơ cấu danh mục bình thường.

Tuy nhiên, tín hiệu bán ròng không quan trọng bằng việc khối ngoại hạ nhiệt hoạt động mua vào. Tính riêng các giao dịch khớp lệnh tại HSX, tháng 12/2010, bình quân mỗi phiên nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra gần 190 tỷ đồng mua vào thì trong tháng 1/2011 chỉ còn 146,24 tỷ đồng. Trong tháng 2 chắc chắn mức giảm còn mạnh nữa. 6 phiên đầu tháng 2 giá trị mua bình quân một ngày chỉ còn 103,13 tỷ đồng.

Có vẻ như bất chấp việc tăng tỷ giá được xem là có lợi, dòng vốn mua vào trên thị trường đang chững lại. Nhà đầu tư nước ngoài không bán ra nhiều hơn nhưng cũng không dốc túi mua mạnh như trước. Có thể đó là một sự nghe ngóng.

Việc dòng vốn mới vào Việt Nam, ngoại trừ các dạng đầu cơ ủy thác như quỹ ETF gần đây, điều quan trọng hơn là sự ổn định vĩ mô, trong đó có vấn đề tỷ giá chứ không hẳn là việc được lời tỷ giá bao nhiêu phần trăm. Sau khi giảm giá tiền đồng 9,3%, liệu sẽ còn giảm nữa không và mức giảm mạnh như vậy có biểu hiện gì bất lợi về sức ép mà cơ quan quản lý phải chấp nhận?

Phân tích của một số tổ chức trong nước cho rằng việc dự báo được xu hướng quan trọng hơn cả đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo VCBS, sẽ là hơi quá lạc quan nếu khi kỳ vọng dòng vốn nước ngoài đổ mạnh vào thị trường trong nước và thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng trong thời gian tới. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ chưa thể yên tâm đầu tư nếu tình hình tỷ giá chưa ổn định và xu hướng mất giá của đồng nội tệ chưa chấm dứt.

Bên cạnh những rủi ro khác, sự bất ổn của tỷ giá mà điểm chính là xu hướng mất giá của VND đang là lo ngại lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài. Từ năm 2008 trở lại đây, Ngân hàng nhà nước liên tục điều chỉnh tỷ giá (không dưới 10 lần) và đồng VND đã mất giá tới 28% khiến niềm tin vào sự ổn định đang suy giảm mạnh. Như vậy, nếu vấn đề tỷ giá không được quản lý ổn định trong thời gian tới thì sẽ khó có thể thu hút dòng vốn từ nước ngoài.

SME lại cho rằng để dòng vốn dài hạn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2011 thì vấn đề chính vẫn nằm ở sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, hai yếu tố quan trọng tại thị trường Việt Nam là chính sách tỷ giá và lạm phát. Cả hai vấn đề này có khả năng chỉ được ổn định từ nửa sau của năm 2011 nên chưa thể kỳ vọng vào sự xuất hiện của các quỹ đầu tư mới hay các đợt huy động vốn thành công ngay trong 6 tháng đầu năm.