Người dân thiếu nhà ở, nhà tái định cư bỏ hoang

Theo Minh Trang/thoibaokinhdoanh.vn

Trong khi người dân Hà Nội đang khó khăn để có nhà ở, nhà ở xã hội đang thiếu và khó triển khai thì nhà tái định cư lại đang dư thừa, thậm chí có hàng ngàn căn đang bị bỏ hoang, gây lãng phí cho ngân sách thành phố.

 Hơn 1000 căn nhà tái định cư đang bỏ hoang, hư hỏng và xuống cấp, nhiều tỷ đồng của Nhà nước đang bị lãng phí; trong khi đó không ít người dân thiếu nhà để ở. Nguồn: Internet
Hơn 1000 căn nhà tái định cư đang bỏ hoang, hư hỏng và xuống cấp, nhiều tỷ đồng của Nhà nước đang bị lãng phí; trong khi đó không ít người dân thiếu nhà để ở. Nguồn: Internet

Theo kế hoạch, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư trên địa bàn thành phố đến năm 2020 sẽ có khoảng 42.500 căn được đầu tư xây dựng. Kế hoạch được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 2013-2015 khoảng 12.500 căn, trên 1 triệu m2 sàn, kinh phí khoảng 980,5 tỷ đồng; giai đoạn 2015- 2020 khoảng 30.000 căn trên 2,4 triệu m2 sàn, tổng kinh phí hơn 2.352 tỷ đồng.

Mới đạt 30% kế hoạch

Chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến mốc kế hoạch hoàn thành, tính đến tháng 5/2018, dự án nhà tái định cư mới chỉ đạt được 30% kế hoạch,

Theo báo cáo mới nhất của công ty phát triển và quản lý nhà Hà Nội, đơn vị này tiếp nhận và quản lý 166 nhà tái định cư, với tổng số 14.211 căn hộ, trong đó 13.111 căn hộ người nhận nhà đã trả tiền, 724 căn hộ đã bố trí tái định cư, 376 căn hộ chưa bố trí tái định cư.

Như vậy, Hà Nội còn khoảng hơn 1.000 căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang, trong đó có 100 căn hộ đang xuống cấp trầm trọng. Có những khu nhà hoàn thành cả chục năm nay ở Sài Đồng, Long Biên không ai đến ở.

Điển hình, bốn toà nhà chung cư A14 Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy cửa đóng then cài không một bóng người. Thêm nữa, toàn bộ ba khối nhà CT1 A, B, C khu thành phố Giao lưu quận Bắc Từ Liêm, được đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn thưa thớt người ở.

Bên cạnh đó, khối nhà chung cư cao hơn 20 tầng tại phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng dù đã xong cả chục năm nay những vẫn đang bị bỏ hoang. Thậm chí, ngay phố Hoàng Cầu có 4 toà nhà trong dự án nhà tái định cư, được xây dựng khá khang trang nhưng số dân ở rất khiêm tốn.

Chung số phận, những toà nhà trên là ba toà nhà với hơn 100 căn hộ tại khu đô thị mới Sài Đồng, Long Biên, được xây dựng cả chục năm nay nhưng vẫn không có người đến ở khiến nơi đây trở nên hoang phế và xuống cấp.

Cuối năm 2017, công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội đã đề xuất phá dỡ khu này khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Thực tế cho thấy nhiều người dân không mặn mà, bức xúc với nhà tái định cư. Khi cả cơ quan quản lý, các cấp chính quyền cũng phải thừa nhận chất lượng nhà tái định cư vẫn còn nhiều hạn chế, công tác vận hành, quản lý đang tồn tại nhiều bất cập.

Chưa đáp ứng nhu cầu sống

Đánh giá về chất lượng nhà tái định cư, anh Hoàng Thế Anh, một cư dân sống tại khu đô thị Nam Trung Yên, cho biết chất lượng nhà rất kém, như vữa trát tường mới sử dụng nhưng đã bong tróc, sơn phía ngoài đã phủ rêu mốc, cửa sổ và cửa ra vào mới đưa vào sử dụng nhưng không chắc chắn.

"Khu nhà tôi ở, nhà vệ sinh một tuần có khi hỏng 2-3 lần, các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy rất sơ sài", anh Thế Anh chia sẻ.

Theo một chuyên gia bất động sản, bên cạnh việc chất lượng kém, việc xây dựng quá dập khuôn, máy móc, không tham vấn cộng đồng dân cư cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà không người ở, do không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của họ.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là khu nhà tái định cư lại khá xa trung tâm, chưa có hạ tầng đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, thậm chí nơi ở mới không đáp ứng được điều kiện việc làm hay con cái học hành.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch thành viên BASICO, cho rằng nguyên nhân đầu tiên có thể nói là chất lượng nhà ở tái định cư có vấn đề. Thứ hai là vị trí không thuận tiện, phương tiện giao thông ít, hạ tầng xã hội thiếu, yếu.

"Những người ở nhà tái định cư là những người khó khăn, bám vào những tuyến giao thông, hạ tầng cơ sở thuận tiện để họ kiếm kế sinh nhai, rất khó để thay đổi tập quán, đi đến một khu vực xa khó khăn, trở ngại trong cuộc sống", LS. Trương Thanh Đức nói.

Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang, KTS. TS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Ngô Viết, cho hay người dân sống ở nơi họ đã từng sống quen rồi, nay đẩy họ đi một nơi quá xa.

"Chúng ta cải tạo đô thị, nâng cấp đô thị thì người hưởng thụ đầu tiên phải là họ. Không phải một người dân ở đâu đó có tiền rồi lại đẩy người dân tại chỗ đi nơi khác", ông Nam Sơn chia sẻ.

Bên cạnh nguyên nhân chất lượng thấp, vị trí không thuận lợi, khâu đền bù cũng là nguyên nhân khiến nhà tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội.

Đáng lẽ họ được đền bù cao hơn hoặc ít nhất là bằng với căn hộ cũ cả về vị trí và giá trị căn hộ. Đa số đền bù tái định cư lại không thực hiện được những điều đó, nên dẫn đến thất bại và hậu quả là nhà tái định cư bỏ hoang.

Hơn 1000 căn nhà tái định cư đang bỏ hoang, hư hỏng và xuống cấp, nhiều tỷ đồng của Nhà nước đang bị lãng phí; Trong khi đó không ít người dân thiếu nhà để ở. Đây là nghịch lý đang tồn tại cần có giải pháp để tìm được lối ra cho những căn nhà tái định cư này.