Người lao động thu nhập thấp bao giờ mua được nhà?

Theo kinhdoanhnet.vn

(Tài chính) Sở hữu một ngôi nhà là ước mơ cả đời đối với mỗi con người. Thế nhưng, ngay cả khi thị trường bất động sản được đánh giá là đáng xuống tiền nhất thì nhiều hộ gia đình cũng không thể có đủ tiền để thực hiện ước mơ này!

Người lao động thu nhập thấp bao giờ mua được nhà?
Sở hữu một ngôi nhà là ước mơ cả đời đối với mỗi con người. Nguồn: internet

Theo khảo sát của một công ty nghiên cứu thị trường, có khoảng 10% dân số Việt Nam có việc làm, tương đương 600.000 người có nhu cầu về nhà ở. Cùng với quy mô trung bình hộ gia đình là 3.85 người, ước tính có ít nhất 155.800 gia đình hiện tại đang sống ở hai thành phố này có nhu cầu về nhà ở.

Tại Việt Nam, thu nhập bình quân (GDP) đầu người đạt thấp, vào khoảng 1.911 USD/năm, trong khi đó, chi phí nhà ở trên thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam lại cao so với khu vực và trên thế giới. Vì thế việc sở hữu một căn nhà để sinh sống là một trong những quyết định quan trọng nhất đối với hầu hết người Việt. Ngoại trừ một vài nhóm có thu nhập cao và ổn định, còn lại đối với đa số người dân, khả năng chi trả vẫn là vấn đề đau đầu nhất mặc dù nhu cầu là rất lớn. Theo số liệu nghiên cứu trong năm 2012, có đến 80% hộ gia đình tại TP. Hồ Chí Minh và 81% ở Hà Nội có thu nhập bình quân hàng tháng dưới 15 triệu đồng (khoảng 700 USD mỗi tháng). Với chi phí sinh hoạt gia tăng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mức thu nhập hộ gia đình này được coi là thấp và chỉ đủ để trang trải các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu như thực phẩm, vận chuyển, hóa đơn điện nước, chi phí giáo dục v.v... và gần như còn không đáng kể cho tiết kiệm.

Vài năm trở lại đây, giá bất động sản đã được điều chỉnh xuống mức thấp hơn do thị trường khó khăn và nguồn cung đa dạng tạo nên sự cạnh tranh trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù giá đã giảm nhưng lại chủ yếu ở phân khúc hạng sang, phân khúc bình dân chưa thực sự có nhiều chuyển biến và nếu so với thu nhập chung cũng như khả năng tiết kiệm của các hộ gia đình, tự quyết tài chính là điều khó có thể nên cứu cánh hiện tại chỉ còn biết dựa vào ngân hàng. 

Bên cạnh đó, chi phí tài chính ở Việt Nam lại khá cao và nhiều biến động trong ít nhất 6-8 năm qua. Cao điểm trong năm 2011, lãi suất vay ngân hàng để mua nhà đã lên đến hơn 20%/năm. Ngoài ra lãi suất vay ngân hàng tại Việt Nam luôn ở trong khoảng 10%-15%/năm. Sau năm 2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để ổn định môi trường lãi suất. Từ năm 2012, lãi suất vay đã giảm và cho đến năm nay, mặt bằng lãi suất đã ngang bằng với mức năm 2009. Thu nhập trung bình thấp nhưng lãi suất phải trả để vay mua nhà lại cao hơn khiến cơ hội mua nhà của người lao động thuộc mức thu nhập trung bình khó khăn hơn rất nhiều.

Chọn được căn hộ chung cư ưng ý với giá 1,4 tỉ đồng ở Q.Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh), lại được chủ đầu tư khẳng định sẽ áp dụng phương thức thanh toán linh hoạt và hỗ trợ vay ngân hàng đến 70% giá trị căn hộ trong 15 năm, anh Lê Văn Lâm (ngụ ở Q.Tân Phú) - nhân viên Công ty Viglacera - hào hứng tìm đến các ngân hàng đặt vấn đề vay vốn. Các gói vay này tối đa 15 năm và khách hàng có thể vay 100% nhu cầu vốn hoặc tối đa 70% giá trị căn hộ. Bước ra khỏi “vòng vây” của các nhân viên ngân hàng, anh Lâm tặc lưỡi quyết định không vay.

“Tôi và vợ có sẵn được gần 500 triệu, nếu mua phải vay thêm 900 triệu đồng. Nhưng tất cả gói vay của ngân hàng chỉ là 7-8% trong thời gian ngắn ban đầu hoặc 6 tháng, hoặc một năm sau đó là trên 10% và nguy hiểm hơn là thả nổi về sau. Nếu vay có ngày vỡ nợ thì mất nhà như chơi. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy lãi suất theo lạm phát trồi sụt thất thường. Lo lắm!” - anh Lâm phân bua.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ ở TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là giới nhân viên văn phòng, đang tìm đến việc mua nhà trả góp như một phương án khả dĩ nhất để có thể có được căn nhà cho riêng mình. Thế nhưng cũng có không ít trường hợp vay rồi nhưng “lòng dạ” luôn thấp thỏm sợ lương không đủ trả nợ.

Không có điều kiện vay mượn người thân, chị Võ Hồ Thục Đoan - nhân viên văn phòng 32 tuổi ở Bình Tân - năm 2012 quyết định vay ngân hàng 620 triệu, cộng với tiền tiết kiệm 300 triệu đồng để mua căn hộ 64m2.

Theo chị Đoan, đây là phương án phù hợp nhất với những người có thu nhập khá nhưng lại không có đủ một lúc để thanh toán toàn bộ do được trả góp trong 15 năm, lãi suất thả nổi theo thị trường. Từ tháng 12/2013, chị bắt đầu trả ngân hàng mỗi tháng khoảng 10-11 triệu đồng, trong đó trả bớt gốc là 4 triệu đồng, kèm với đó là những lo lắng lớn vì luôn canh cánh rằng mình đang mang nợ và không tự chủ được khoản nợ ấy, khi lãi suất có thể tăng bất cứ lúc nào.

Đó là chưa kể đến biết bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống gia đình. Bởi đã là thu nhập thấp thì tiền ăn còn chưa đủ lấy đâu ra để mua nhà, đã thu nhập thấp ăn chưa đủ lại lo trả ngân hàng hàng tháng, đương nhiên phải gánh thêm một gánh nặng nữa, vì nghĩ cho cùng để mua một căn nhà bằng tiền lương thực tế người dân tích cóp thì nhiều năm sau không thể mua được. Giấc mơ an cư của nhiều người dân vẫn còn rất xa vời!