Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: Nóng lòng chờ cơ hội

Theo Ninh Toàn/baoxaydung.com.vn

Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi chính thức có hiệu lực được hai tháng với những quy định “thông thoáng” hơn trong chính sách cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà đang tạo ra những lực đẩy lớn cho thị trường BĐS tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Theo chia sẻ của các đơn vị môi giới, các chủ đầu tư cũng như hàng nghìn người nước ngoài đang nóng lòng chờ đợi cơ hội để chính thức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Không chỉ vốn FDI tăng, số lượng người nước ngoài chọn Việt Nam để sinh sống và làm việc cũng không ngừng tăng lên theo thời gian. Nguồn: baoxaydung.com.vn
Không chỉ vốn FDI tăng, số lượng người nước ngoài chọn Việt Nam để sinh sống và làm việc cũng không ngừng tăng lên theo thời gian. Nguồn: baoxaydung.com.vn

BĐS cao cấp bán chạy hàng

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 6 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,49 tỷ USD. Trong đó, tổng cộng 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào 16 ngành và lĩnh vực, trải rộng trên 42 tỉnh, thành trong cả nước.

Lĩnh vực kinh doanh BĐS tiếp tục đứng thứ hai trong số những lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất. BĐS có 11 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 465,5 triệu USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư. Những con số này đang được đánh giá là sẽ tạo thêm lực đẩy cho thị trường BĐS, đặc biệt trong nửa cuối năm 2015.

Không chỉ vốn FDI tăng, số lượng người nước ngoài chọn Việt Nam để sinh sống và làm việc cũng không ngừng tăng lên theo thời gian. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, chỉ tính riêng TP này hiện đã có khoảng 30.000 tổng giám đốc, chuyên gia cấp cao là người nước ngoài đang làm việc, sinh sống.

Trên cả nước, còn có khoảng 80.000 người Hàn Quốc, 8.000 người Nhật và 1.200 người Đức… đang sống và làm việc. Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ cho người nước ngoài thuê hiện nay mới đạt khoảng 4.000 căn ở TP.Hồ Chí Minh, 1.300 căn ở Hà Nội, quá ít so với nhu cầu của đối tượng khách hàng này.

Chính vì vậy, khi chính sách cho người nước ngoài, Việt kiều được sở hữu nhà ở trở nên thông thoáng, rộng mở trong Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, nhiều người đã kỳ vọng đây sẽ là lực đẩy tốt cho thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp.

Theo thống kê của CBRE mới đây, chỉ tính riêng KĐT Vinhomes Central Park của Vingroup đã có đến 112 căn hộ được người nước ngoài đăng ký đặt mua khi Luật Kinh doanh BĐS được thông qua.

Ghi nhận tại các buổi mở bán và giới thiệu thông tin một số dự án BĐS cao cấp trên thị trường Hà Nội như Gamuda, Park City, Hoà Bình Green City, Goldmark City, Tiểu khu AQua Bay - KĐT Ecopark, Imperia Garden hay như dự án Phú Mỹ Hưng TP.HCM, Azura Đà Nẵng, Vinpearl Premium Phú Quốc… đều có hàng chục đến hàng trăm khách nước ngoài quan tâm và đặt mua BĐS.

Con số này nếu so với số lượng khoảng hơn 100 người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam trong suốt 8 năm Luật Nhà ở 2005 được áp dụng theo thống kê của cơ quan chức năng thì có thể thấy, sức bật của chính sách này là vô cùng lớn.

Anh Lee Geon (người Hàn Quốc), đã có gần 15 năm học tập, làm việc, lập gia đình và sinh sống tại Việt Nam cho biết anh rất quan tâm đến pháp luật quy định cho phép người nước ngoài như anh mua, sở hữu BĐS tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay anh và bạn bè chỉ có thể trả tiền mua nhà, chuyển về ở nhưng chưa được thể hiện chủ sở hữu trên giấy tờ chính thức như hợp đồng mua bán, sổ hồng chứng nhận quyền sử dụng BĐS hoặc phải mua dưới danh nghĩa người Việt.

“Tôi mong muốn các chủ đầu tư thông qua văn bản pháp luật hướng dẫn truyền đạt đến chúng tôi nội dung, cách thức sở hữu BĐS tại Việt Nam một cách đơn giản, thuận tiện. Tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình nên tôi mong sẽ có ngôi nhà của mình tại đất nước này trong thời gian sớm nhất”.

Sẽ ban hành văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS trong tháng 9

Thông tin mới nhất, ông Nguyễn Trọng Ninh - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: Văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS hiện đã được Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS khẩn trương thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng.

Các văn bản này đang trình lên Thủ tướng Chính phủ và dự kiến trong tháng 9/2015 sẽ chính thức được ban hành, tạo ra hành lang pháp lý phát triển thị trường BĐS bền vững, sôi động, trong đó có nội dung hướng dẫn cụ thể các thủ tục, điều kiện cho các DN và khách mua nhà thực hiện thành công giao dịch ngay trong những tháng cuối năm nay.

Trong khi chờ, các DN chủ đầu tư dự án BĐS hướng đến đối tượng khách là người nước ngoài và Việt kiều cũng đã chuẩn bị đầy đủ sản phẩm, dịch vụ tư vấn, phương tiện truyền thông để bán nhà.

Đại diện chủ đầu tư dự án Azuza Đà Nẵng ra thông báo nhận đặt giữ chỗ cho khách hàng nước ngoài, còn đại diện chủ đầu tư dự án Ecopark, tiểu khu AQua Bay tiến hành in ấn tài liệu bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật nhằm giới thiệu sản phẩm.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đức Diễn - Phó chủ tịch Liên minh sàn giao dịch BĐS G5, Chủ tịch sàn giao dịch Maxland chia sẻ: “Chúng tôi đã đào tạo một bộ phận nhân viên marketing và nhân viên bán hàng sẵn sàng tư vấn thủ tục cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam ngay sau khi có thông tư, nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS 2015”.