Nguồn cung suy giảm, giá tăng

Theo Minh Trang/thoibaokinhdoanh.vn

Pháp lý chưa theo kip thị trường bất động sản, hệ quả là các dự án năm 2019 chưa được phê duyệt, kéo theo nguồn cung trong 2 năm tới bị suy giảm, giá sẽ tiếp tục tăng và tăng giá đã xuất hiện ở một số nơi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự sụt giảm nguồn cung các sản phẩm bất động sản (BĐS) cả chung cư và đất nền dẫn đến giá cũng tăng. Đặc biệt, tại TP. Hồ Chí Minh, giá có biến động tăng hơn Hà Nội. Theo thống kê, tại TP. Hồ Chí Minh, giá chung cư tăng khoảng 5% và đất nền có nơi tăng 15-20%.

“Vỡ mộng” sở hữu nhà

Hai vợ chồng anh Nguyễn Hoài Nam rời tỉnh Nam Định vào TP. Hồ Chí Minh làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu đã được 10 năm. Sau một thời gian lập nghiệp, anh chị tích cóp được 1,1 tỷ đồng, dự định vay mượn thêm 200 triệu để mua một miếng đất ở quận 12 có giá 1,3 tỷ đồng để xây nhà, tiện cho việc học hành của con cái.

Chờ mượn đủ tiền, một tháng sau quay lại, anh chị “vỡ mộng” khi giá đất leo thang chóng mặt, mảnh đất đã có giá 1,8 tỷ đồng, tương đương với 65 triệu đồng/m2.

Không mua được mảnh đất đó, anh chị tìm đến các khu vực khác của quận 12 như đường Tân Thới Hiệp, đường Phan Văn Hớn…, nhưng cũng đành “lực bất tòng tâm”, gần như không thể mua được với số tiền 1,3 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các sàn môi giới ở TP. Hồ Chí Minh, giá nhà đất tại các quận vùng ven đã tăng khoảng 15-20% so với năm 2017. Có những nơi đang được rao bán với giá cao ngang bằng các quận gần trung tâm như quận 3, quận Phú Nhuận, khoảng trên 100 triệu đồng/m2.

Tại Hà Nội, giá BĐS cũng có biến động. Trong đó, biến động giá sản phẩm chung cư không đáng kể; đất nền tại một số huyện sắp chuyển thành quận tăng từ 3-5 triệu đồng/m2, có những vị trí tăng 5-10 triệu đồng/m2. Đặc biệt, khi có thông tin Hà Nội tăng khung giá đất lên thì giá nhà đất cũng có sự rục rịch đáng kể.

Chị Nguyễn Kim Hiền (quận Cầu Giấy) tới một số sàn giao dịch tại Nam Từ Liêm, được giới thiệu đất nền nhà riêng rẻ khu vực Trạm Trôi, Hoài Đức đã tăng từ 3-5 triệu đồng/m2 trong vòng 2 tháng cuối năm. Theo nhân viên môi giới, nếu chị không nhanh xuống tiền thì giá đất năm 2020 sẽ có mặt bằng mới.

“Sau Tết Nguyên đán 2020, giá đất tại huyện Hoài Đức sẽ tăng. Nguyên nhân là do Hoài Đức sẽ trở thành quận và bảng giá đất sẽ tăng 15%”, nhân viên môi giới này cho biết.

Tại các Diễn đàn BĐS tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mới đây, các chuyên gia đều có chung đánh giá việc giá BĐS tăng do các cơ quan quản lý nhà nước tạm dừng cấp phép để rà soát lại pháp lý và quỹ đất nội đô đã hạn hẹp, dẫn đến nguồn cung hạn chế.

Dự báo nguồn cung trong 2 năm tới suy giảm, giá sẽ tăng
Dự báo nguồn cung trong 2 năm tới suy giảm, giá sẽ tăng
 

Nguy cơ suy giảm cung

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng hệ số hấp thụ dự án tại Việt Nam rất cao, thể hiện lực cầu lớn trong năm 2019, nhưng nếu cầu mạnh như vậy mà cung không theo kịp là điều phải cảnh báo. Hà Nội dự báo sẽ hết hàng sớm hơn TP. Hồ Chí Minh.

“Nếu năm 2020, cung của thị trường vẫn nhiều thì sẽ là một năm vẫn tốt đẹp. Tuy nhiên, cần phải rà soát lại cung không chỉ ở 2 thành phố lớn mà còn ở các thị trường BĐS đang phát triển vài năm trở lại đây. Chính phủ cần phải thúc đẩy tiến trình này, nếu không, tôi lo rằng 1-2 năm nữa, thị trường sẽ gặp vấn đề quan trọng”, ông Đính nói.

Nhìn lại thực tế, nguồn cung căn hộ thị trường TP. Hồ Chí Minh giảm 52%, còn tại Hà Nội giảm 24%, đã làm đẩy giá lên. Như ở thị trường BĐS tại Hà Nội giá tăng 5-8%, TP. Hồ Chí Minh tăng 8-12%. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật BASICO, cho rằng có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường BĐS là kinh tế, pháp lý và chính trị.

Trong đó, kinh tế và chính trị vẫn thuận lợi. Riêng vấn đề pháp lý, các luật còn chồng chéo như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS…, là nguy cơ lớn về lâu dài cho thị trường BĐS.

Cùng góc nhìn này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, đánh giá kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển tốt, thị trường BĐS đang phát triển tốt, tính thanh khoản cao, giao dịch thành công đến 90%, nhưng năm 2019 chững lại, nhiều dự án không được phê duyệt vì vướng mắc pháp lý.

Phân khúc condotel đang phát triển tốt thì từ câu chuyện của Cocobay Đà Nẵng có biểu hiện “giữa đường đứt gánh”, nên ông Võ cho rằng các dự án condotel tiếp theo sẽ bị ngừng lại.

“Có thể thấy ảnh hưởng lớn nhất là pháp luật chưa theo kịp thị trường BĐS, hệ quả là các dự án năm nay chưa được phê duyệt, kéo theo nguồn cung trong 2 năm tới bị suy giảm, giá sẽ tăng và xu hướng tăng giá đã xuất hiện ở một số nơi”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT phân tích.

Theo ông Võ, hoàn cảnh này sẽ ảnh hưởng đến phát triển của kinh tế nói chung. Từ đó, đặt ra câu chuyện với Chính phủ là không để xảy ra những điều bất thường trong quá trình phát triển, để condotel không bị “đứt gánh giữa đường” mà phát triển tốt, nhà ở phát triển tốt và mức giá thấp đi, nhiều người dân không “vỡ mộng” sở hữu nhà.