Nhà cho thuê chờ "lên ngôi"

Theo Hải Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Trong khi nhà chung cư để bán suy giảm cả nguồn cung và nguồn cầu, căn hộ dịch vụ (nhà cho thuê) đang có xu hướng phát triển do nhu cầu của người lao động từ nước ngoài vào theo nguồn vốn FDI gia tăng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2019, vốn FDI thực hiện đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018. Có 60 tỉnh, thành phố có dự án FDI mới, trong đó Hà Nội đứng thứ nhất với 8,3 tỷ USD, Tp.HCM đứng thứ hai với 7 tỷ USD, tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh…

Gia tăng nguồn cung nhà cho thuê

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Tư vấn – Nghiên cứu, Savills Hà Nội, nguồn vốn FDI vào Việt Nam hiện nay khá mạnh, nhất là kể từ khi chiến tranh thương mại Trung – Mỹ diễn ra, một loạt cơ sở sản xuất từ Trung Quốc đã và đang di dời sang Việt Nam. Do đó, nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia, kỹ sư người nước ngoài gia tăng.

Riêng quý IV/2019, thị trường căn hộ dịch vụ có sự cạnh tranh tương đối lớn với thị trường căn hộ để bán cả về công suất thuê và giá thuê.

Trong quý IV có 262 căn hộ đi vào hoạt động, do sự xuất hiện của 1 dự án hạng A mới, nâng tổng nguồn cung toàn thị trường đạt 4.600 căn, tăng 6% theo quý. Căn hộ hạng C cạnh tranh khốc liệt với căn hộ để bán.

Giá thuê trung bình tăng 6% theo năm, tới 26 USD/m2/tháng. Do nguồn cung tăng, công suất ghi nhận 82%, giảm 2 điểm phần trăm theo quý và giảm 4 điểm phần trăm theo năm.

Ước tính 2.700 căn từ 22 dự án sẽ mở bán, trong đó 3 dự án thuộc khu phía Tây và các dự án còn lại thuộc khu nội thành. Riêng quận Tây Hồ sẽ cung cấp 47% nguồn cung tương lai.

Trước đó, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cũng thống kê từ năm 2018 đến nay, cả nước đạt 88.000 lượt khách nước ngoài thuê, trong đó 78% là kỹ sư, chuyên gia người nước ngoài. Như vậy, với 4.600 căn hộ dịch vụ cho thuê thì không thể đáp ứng được nguồn cầu, khách nước ngoài phải tìm khách sạn hoặc căn hộ để bán khác thuê.

Điều ghi nhận là tỷ trọng khách người Nhật, Hàn Quốc ở các căn hộ dịch vụ cao (Nhật Bản chiếm 53%, Hàn Quốc chiếm 25%, còn lại là các quốc tịch khác).

Dự báo về kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian tới, Bộ KH&ĐT cho biết tốc độ tăng vốn FDI thực hiện trong năm 2020 là 7-8%, đạt 23-24 tỷ USD, chiếm 22 – 23% tổng vốn đầu tư xã hội. Đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn sẽ gia tăng.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng tương lai khi Việt Nam thu hút vốn FDI mạnh cũng tạo ra nguồn cung căn hộ dịch vụ lớn, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thị trường căn hộ dịch vụ sẽ phát triển tại các vùng lân cận như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Bình Dương, Đồng Nai…

Căn hộ dịch vụ đang có xu hướng phát triển
Căn hộ dịch vụ đang có xu hướng phát triển
 

Tỷ suất thuê: Nam cao hơn Bắc

Không chỉ căn hộ dịch vụ cho chuyên gia, kỹ sư nước ngoài thuê, mà nhà ở cho công nhân thuê cũng là một trong những xu hướng đang diễn ra trên thị trường Hà Nội, điển hình ở một số khu vực như Kim Chung (Đông Anh).

Trong năm 2020 – 2022, lượng căn hộ bàn giao trên thị trường rất lớn và đây cũng là điểm gợi ý cho các khách có nhu cầu mua nhà có thể sử dụng nhà cho thuê. Các dự án này rất gần nhau, việc cạnh tranh tạo ra được giá thuê hấp dẫn rất rõ ràng trong thời gian tới.

“Như vậy, thay vì tích cóp tiền để mua nhà ở những khu vực xa, khách hàng có thể thuê tại những dự án, căn hộ có điều kiện tốt hơn với giá thuê hợp lý, tiện ích tốt, đảm bảo cho đời sống phát triển”, bà Hằng nhấn mạnh.

Thị trường nhà ở cho thuê phần nhiều đến từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, bởi họ đầu tư để cho thuê nhiều hơn. Đối với phân khúc này, bà Hằng cho rằng rõ ràng khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư cũng đã cân nhắc lựa chọn sản phẩm tốt mới có thể cạnh tranh được vì trong thực tế hiện nay, lượng căn hộ bàn giao một phần trong số đó được cho thuê ra thị trường rất lớn. Nếu không chọn được sản phẩm đủ tốt thì giá thuê không được đảm bảo, về lâu dài giá thuê còn có thể giảm.

Nếu dự án ở khu vực chủ đầu tư không có kinh nghiệm, chưa phát triển tốt về hạ tầng, khách thuê có xu hướng chọn khu vực tốt hơn, căn hộ mới hơn, được thay đổi nhiều hơn. Đó là xu hướng của người đi thuê, kể cả với đối tượng thu nhập không cao. Khách thuê Hàn Quốc cứ có dự án mới thì họ sẽ thay đổi nơi ở, xu hướng này gần như sẽ được áp dụng với khách thuê ở mức giá thấp hơn.

So sánh giữa 2 thị trường lớn nhất cả nước, theo bà Hằng, có một thực tế về thị trường nhà ở cho thuê là TP. Hồ Chí Minh có lợi thế tốt hơn, tỷ suất cho thuê là 5-6%, trong khi ở Hà Nội chỉ khoảng 4-5%.

Tuy so sánh với các quốc gia khác, mức này không thấp nhưng ở thị trường Việt Nam trong tương quan so sánh với các khoản mục đầu tư khác thì thay vì đầu tư căn hộ cho thuê với một kỳ vọng lợi nhuận đó, họ có thể đầu tư các kênh khác mang đến tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Đó chính là lý do tại sao thị trường nhà ở cho thuê tại Hà Nội không thực sự hấp dẫn như TP. Hồ Chí Minh.