Nhà đất 2015: Cung hàng chờ hiệu lực của Luật

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Nhiều chuyên gia trong nước khẳng định, Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa thể ngay lập tức tạo ra “sóng” cho thị trường BĐS, bởi phải đến tháng 7/2015 Luật Nhà ở (sửa đổi) mới chính thức có hiệu lực và còn phải chờ rất nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn để đi vào thực tiễn...

Nhà đất 2015: Cung hàng chờ hiệu lực của Luật
Đợt mở bán đầu năm 2015 của tòa B chung cư Hòa Bình Green City, giá bán dự kiến 38 triệu đồng/m2 (chưa VAT), đang được các nhà đầu tư chào đón. Nguồn: internet

Những tín hiệu tích cực

Đợt mở bán đầu năm 2015 của tòa B chung cư Hòa Bình Green City, giá bán dự kiến 38 triệu đồng/m2 (chưa VAT), đang được các nhà đầu tư chào đón. Giao dịch cải thiện là một động lực để chủ đầu tư “ra hàng”. Nhưng trong phương án kinh doanh, nhà phát triển dự án này dự tính, ở đợt mở bán vào tháng 7/2015 sẽ tăng tới 50% lượng hàng so với đợt đầu này.

Lý giải cho sự gia tăng đáng kể nguồn cung, ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, chủ đầu tư dự án cho biết, thời điểm tháng 7/2015, Luật Nhà ở (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, cầu nhà ở cho người nước ngoài sẽ tăng, giá bán căn hộ, nhất là căn hộ phân khúc cao cấp vì thế cũng sẽ tăng.

Cùng chia sẻ tính toán nói trên, Savills Việt Nam cũng tổ chức sự kiện giới thiệu các dự án BĐS nghỉ dưỡng đa dạng trên cả nước, do công ty này phân phối như Laguna Lăng Cô (Huế), The Point và The Beachfront Enclave (Đà Nẵng), The Residences - Mia Nha Trang, The Costa Nha Trang, Cham Oasis (Nha Trang), Đại Phước Lotus (Đồng Nai) và Đảo Kim Cương (TP. Hồ Chí Minh).

Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills, thời gian gần đây với những tín hiệu tích cực từ thị trường, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đang ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm từ phía khách hàng. Chính vì vậy, Savills mong muốn thông qua sự kiện này để giúp khách hàng có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm những BĐS nghỉ dưỡng hàng đầu trên cả nước.

Với những khách hàng muốn tìm kiếm một tiêu chuẩn sống cao hơn và có khả năng mua để sở hữu căn hộ thứ hai thì đây là dịp để họ được cấp quyền sở hữu hợp pháp, đồng thời là cơ hội để Việt Nam phát triển thị trường BĐS nói chung và thị trường BĐS nghỉ dưỡng nói riêng ở các thành phố du lịch. Song hành với việc “mở cửa” để người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, hàng loạt căn hộ cao cấp có cơ hội… mở cửa.

Dưới góc nhìn của ông Timothy Horton, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Vietnam, phân khúc nhà ở trung cấp và cao cấp sẽ có mức hấp thụ tăng dần. Bởi mức giá của phân khúc trung và cao cấp vượt xa so với túi tiền của số đông người dân Việt Nam, nhưng lại khá vừa phải so với các nhà đầu tư ngoại.

Theo Savills, các cải cách pháp lý tổng thể của Luật Nhà ở (sửa đổi) có ảnh hưởng đến nhiều phân khúc thị trường và cũng là thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam. Những cải cách pháp lý phù hợp với xu thế tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, cũng như tạo ra một môi trường tài chính cạnh tranh và lành mạnh hơn trong khu vực. Nó cũng sẽ cho phép các nhà đầu tư đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường BĐS hấp dẫn này.

Không chỉ các đơn vị tư vấn như Savills, CBRE, hay Cushman & Wakefield Vietnam, cả các chuyên gia trong nước cũng khẳng định, chưa bao giờ có nhiều điều kiện thuận lợi như vậy cho sự phát triển của thị trường BĐS. Cùng với dòng kiều hối tăng đều qua từng năm, để năm 2014 Việt Nam là 1 trong 10 nước đón nguồn kiều hối lớn nhất thế giới (gần 12 tỷ USD), thì cho người nước ngoài mua nhà cũng là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, có tác động sâu rộng đến thị trường BĐS, góp phần khơi tăng nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS.

Có nhiều cách quản lý

Hiện nguồn vốn cho BĐS còn hạn hẹp, nên có luồng ý kiến lo ngại nếu cho phép người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam có thể mua nhà sẽ là nguồn cơn của đầu cơ BĐS. Với các nhà đầu tư, họ bỏ vốn để sinh lời, đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro. Ở đâu có lợi nhuận ở đó ắt có đầu cơ. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, để quản lý và hạn chế đầu cơ là phải quản lý thị trường và quản lý bằng chính sách thuế - một chuyên gia BĐS phát biểu.

Cũng theo chuyên gia này dẫn lại một công bố mới đây của ThS. Nguyễn Thị Tùng Phương, Khoa BĐS và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế Quốc dân, trong khi tại nhiều quốc gia, thuế BĐS được xem là nguồn thu chủ yếu nhằm đáp ứng các nhu cầu dịch vụ công cộng thì nghiên cứu tổng thể các khoản thu từ BĐS giai đoạn 2003-2013 và dự kiến 2014 tại Việt Nam cho thấy, tỷ trọng thu ngân sách Nhà nước từ BĐS còn thấp. Cụ thể, năm 2008 con số này là 46.532 tỷ đồng trên tổng thu ngân sách Nhà nước là 548.529 tỷ đồng, chiếm 8,6%; năm 2013 tương ứng đạt 67.193 tỷ đồng trên tổng thu 816.000 tỷ đồng, chiếm 8,3%.

Trong khi đó, để kiểm soát thị trường BĐS, dễ dàng trong việc tính thuế tài sản, Trung Quốc vừa công bố ban hành chính sách mới về nhà đất, quy định từ ngày 1/3/2015, tất cả chủ sở hữu BĐS trên cả nước đều phải đăng ký quyền sở hữu với cơ quan quản lý. Việc đăng ký không chỉ áp dụng với BĐS mới tậu mà phải cập nhật sau mỗi lần chuyển nhượng, thay đổi hiện trạng.

Còn Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande vừa đề xuất tăng thêm 20% tiền thuế nhà đất đối với các chủ sở hữu của hai ngôi nhà trở lên. Chính phủ Pháp lập luận, tăng thuế sẽ làm giảm căng thẳng thiếu hụt nhà ở, vì bằng cách đánh thuế cao hơn sẽ khuyến khích các chủ sở hữu bán hoặc cho thuê căn hộ thứ hai của họ.

Nhiều chuyên gia trong nước cũng khẳng định, Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa thể ngay lập tức tạo ra “sóng” cho thị trường BĐS, bởi phải đến tháng 7/2015 Luật Nhà ở (sửa đổi) mới chính thức có hiệu lực và còn phải chờ rất nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn để đi vào thực tiễn...