Thị trường bất động sản Việt Nam:

Nhà đầu tư ngoại đang tìm kiếm những cách thức đầu tư mới

Thanh Sơn

(Tài chính) Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam hiện vẫn đang hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Để hiểu rõ hơn về nhận định này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Timothy Horton – Giám đốc điều hành Cusman & Wakefield Việt Nam.

Phóng viên: Trước đây, Việt Nam đón nhận được khá nhiều quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam còn sức hấp dẫn không?

Nhà đầu tư ngoại đang tìm kiếm những cách thức đầu tư mới - Ảnh 1
Ông Timothy Horton
Giám đốc điều hành Cusman & Wakefield Việt Nam
Ông Timothy Horton: Khi nhìn vào lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chúng ta thấy có sự chênh lệch rõ rệt giữa lượng FDI đăng ký và lượng FDI giải ngân. FDI giải ngân mới chính là số liệu thực tế mà chúng ta cần lưu tâm. Và lượng FDI giải ngân tại Việt Nam luôn giữ ở mức ổn định trong vòng 4 đến 5 năm qua. Việc các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bày tỏ do dự khi quyết định đầu tư, theo tôi là do tính khả thi của các dự án.

Như chúng ta có thể thấy qua các chu kỳ chuyển động của thị trường, giá đất đóng vai trò vô cùng lớn trong quá trình quyết định có nên bơm vốn đầu tư hay không.

Tới nay, các chủ nhà, chủ đất đã trở nên thực tế hơn trong việc điều chỉnh giá cả và nhờ đó, thị trường đã chứng kiến một số thương vụ đầu tư vào một số loại bất động sản, cụ thể là loại bất động sản đang khai thác, thuộc phân khúc văn phòng và khách sạn.

Trong vòng ba năm qua, thị trường bước đầu điều chỉnh trở lại giá trị thực và các nhà chức trách đã tiến hành các chính sách tài khóa, cải thiện thanh khoản và hỗ trợ cho vay nhiều hơn. Một lần nữa, tiềm năng của thị trường phụ thuộc vào tính khả thi của các dự án.

Trong những năm tới, cơ hội sẽ nhiều hơn cho các nhà đầu tư, một khi mà giá đất đã được điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Ông có lời khuyên gì cho các các nhà đầu tư vào thời điểm này?

Những nhà đầu tư thực sự bỏ vốn và đầu tư tại thời điểm này cần những người đã tìm hiểu kỹ về thị trường Việt Nam. So với những nhà đầu tư mới bước đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam, những nhà đầu tư lâu năm nói trên biết rõ về chu kỳ bất động sản Việt Nam, họ nắm rõ các vị trí địa thế và lợi nhuận mà các loại tài sản có thể mang lại, từ tài sản đang khai thác lẫn tài sản mới bắt đầu quá trình vận hành. Họ thấy quen hơn với những rủi ro có thể xảy ra khi đầu tư tại Việt Nam. Thêm vào đó, họ cũng đang tìm kiếm những cách thức đầu tư mới.

Thay vì đầu tư vào bất động sản một cách riêng lẻ, những nhà đầu tư này mong muốn đầu tư theo nhóm, hợp tác với những nhà đầu tư trong nước có tiềm lực mạnh. Như chúng ta có thể thấy trên thị trường sự hợp tác của những nhà đầu tư trong nước với các nhà đầu tư đến từ Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh đó, nếu như nhà đầu tư Việt Nam và thị trường Việt Nam minh bạch hơn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tự tin đầu tư hơn. Nếu như quản trị doanh nghiệp được đại đa số các nhà đầu tư trong nước áp dụng và tuân thủ, đây sẽ là chất xúc tác, khuyến khích những nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, họ không chỉ là những nhà đầu tư châu Á mà còn là những nhà đầu tư châu Âu và châu Mỹ.

Trên thị trường, xuất hiện nhiều thương vụ chuyển nhượng, ông có nghĩ xu hướng này sẽ phát triển tại Việt Nam?

Ở một đất nước mới nổi như Việt Nam sẽ có nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Để giảm thiểu rủi ro, các nhà đầu tư sẽ chọn loại tài sản đang được khai thác để có thể mang lại lợi nhuận từ ngày đầu tiên sau giao dịch đầu tư để tăng tính an toàn của nguồn vốn đầu tư họ tìm kiếm loại bất động sản mà họ có khả năng nâng cao giá trị và loại tài sản này phải giữ vững được giá trị kể cả khi toàn bộ thị trường đi xuống.

Ngoài ra, họ cũng xem xét đến khung thời gian đầu tư. Khi đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư phải chắc chắn về vòng quay đầu tư kể cả đầu tư vào văn phòng, bán lẻ, nhà ở, khách sạn hay phân khúc bình ổn nhất là bất động sản khu công nghiệp. Chu kỳ bất động sản giai đoạn 2007-2010 phát triển quá nhanh và biên độ dao động khá ngắn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, biên độ dao động đã bắt đầu giãn ra. Những nhà đầu tư từ đó cũng ở trong một tình thế thuận lợi hơn để đánh giá tình hình và yên tâm hơn về độ khả thi của dự án. Thành công trong việc cải thiện tâm lý đầu tư sẽ hỗ trợ kích thích đầu tư và khuyến khích thị trường hấp thụ những nguồn cung thừa trên khắp các phân khúc văn phòng, nhà ở, chung cư, biệt thự, dù là loại cao cấp hay là loại trung bình.

Để giảm sự khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thị trường như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Hiện nay có khá nhiều rào cản mà một nhà đầu tư phải đối mặt và vượt qua nếu muốn đẩy nhanh và triển khai dự án. Một hệ thống thủ tục hành chính hiệu quả hơn, cơ chế một cửa là vô cùng cần thiết - nơi mà nhà đầu tư có thể hoàn thành thủ tục hồ sơ hoàn thiện với hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.

Một số vấn đề về đền bù, thuế đất, luật pháp nếu được làm rõ sẽ giúp các nhà đầu tư thông suốt hơn. Nếu như các vấn đề quan liêu nói trên được giải quyệt triệt để, quá trình phục hồi của nền kinh tế nói chung và quá trình xây dựng của các nhà đầu tư nói riêng cũng được đẩy nhanh tốc độ; nguồn vốn hỗ trợ cũng đến đúng đối tượng, châm ngòi bùng nổ cho thị trường đúng phân khúc, thay vì phân bổ vốn vào tay những nhà đầu tư kém hiệu quả và đưa thị trường vào vết xe đổ trước kia. Song song đó, chế tài giám sát và xử phạt cũng nên được áp dụng.

Xin cảm ơn ông!