Nhà đầu tư ngoại lạc quan với thị trường bất động sản Việt Nam

Theo thoibaonganhang.vn

Thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận nhiều nhà đầu tư đến từ các nước khác cũng “nhanh chân” không kém để tìm cơ hội tại đây.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào thị trường bất động sản Việt Nam. Nguồn: internet.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào thị trường bất động sản Việt Nam. Nguồn: internet.

Với khoản đầu tư hơn 400 triệu USD vào dự án Kumho Asian Plaza (TP. Hồ Chí Minh) hồi tháng 7 năm 2016, tổng giá trị tài sản mà Tập đoàn Mapletree - doanh nghiệp (DN) phát triển bất động sản (BĐS), đầu tư và quản lý vốn có trụ sở chính tại Singapore - hiện đang sở hữu tại Việt Nam đã vượt 1 tỷ USD.

Trong khi đó, CapitaLand cũng đã đầu tư hơn 400 triệu USD vào Việt Nam, bao gồm thương vụ mua bán đầu tiên của chủ đầu tư Singapore này nhằm phát triển một khu đất dân cư tọa lạc tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh trị giá khoảng 51,9 triệu USD.

Theo ước tính của Jones Lang Lasalle (JLL) - tập đoàn quản lý đầu tư và cung cấp dịch vụ cho khách hàng đầu tư vào BĐS - chỉ trong 2 năm vừa qua, các chủ đầu tư Singapore đã đầu tư 1,2 tỷ USD vào các dự án BĐS tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhưng không chỉ Singapore, thị trường BĐS Việt Nam ghi nhận nhiều nhà đầu tư đến từ các nước khác cũng “nhanh chân” không kém để tìm cơ hội tại đây. Giải ngân vốn FDI đang chứng kiến giai đoạn tăng cao trở lại. Góc nhìn của nhà đầu tư ngoại về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam là tích cực hơn, trong đó lĩnh vực BĐS đang đứng thứ hai về cam kết rót vốn.

Cơ sở để các nhà đầu tư kỳ vọng vào thị trường BĐS Việt Nam là thu nhập người dân đang tăng lên nhanh chóng. Với cơ cấu dân số vàng và một nền kinh tế đang không ngừng phát triển, tình hình việc làm trong các ngành sản xuất và dịch vụ tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong 2 thập kỷ qua, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 10 năm tới, đồng thời thúc đẩy và cải thiện mức thu nhập.

Mức thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng lên rõ rệt trong suốt thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 11%. Do đó, chúng tôi kỳ vọng mức thu nhập và sức mua của người tiêu dùng Việt sẽ còn gia tăng, bà Regina Lim, Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn của JLL nhận xét.

Trong bối cảnh đó, nguồn cung nhà ở vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Chẳng hạn như tại TP. Hồ Chí Minh, theo phân tích của JLL thì số lượng căn hộ so với dân số vẫn đang ở mức thấp hơn so với các thành phố khác tại khu vực Đông Nam Á. Gia tăng thêm nguồn cầu, những thay đổi chính sách được thực thi vào tháng 7/2015 đã tạo điều kiện cho người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam trở nên thông thoáng hơn, thúc đẩy lượng giao dịch nhà ở gia tăng.

Các chủ đầu tư đã tiêu thụ được khoảng 24.000 căn trong năm 2015 và 16.800 căn trong nửa đầu năm 2016, tăng gần 250% so với giai đoạn năm 2011-2014. “Nguồn cung nhà ở của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 74% trong 3 năm tới, nhưng chúng tôi tự tin khả năng hấp thụ của thị trường sẽ tăng”, bà Lim nói.

Một điểm thuận lợi có thể hỗ trợ cho tiêu thụ căn hộ, theo phân tích của JLL, bất chấp số lượng tăng mạnh, giá căn hộ cao cấp chỉ tăng 9% trong khoảng 6 quý gần đây. Điều này trái ngược hẳn vào giữa năm 2005 và năm 2007 khi giá tăng mạnh tới 106%, sau khi vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam với dự đoán sự phục hồi về nền kinh tế và thị trường BĐS.

Tiếp đó, giai đoạn 7 năm từ 2007-2014, giá đã giảm khoảng 30%. Về triển vọng tương lai, bà Lim dự đoán giá căn hộ sẽ tăng 5-7%/năm trong vòng 3 năm tới, được hỗ trợ bởi mức độ hấp thụ và khả năng chi trả mạnh mẽ.

Căn cứ vào thu nhập hàng tháng của nhóm hộ hàng đầu là 1.337 USD, chi phí mua căn hộ nằm trong mức giá phải chăng khoảng 3,9 năm thu nhập. Con số này đạt thấp hơn mức trung bình là 5,7 năm của các thành phố khác ở khu vực Đông Nam Á.

Điều kiện thị trường thuận lợi hiện nay đang khiến cho nhiều DN BĐS làm ăn phát đạt. Các nhà phát triển tại TP. Hồ Chí Minh mà chúng tôi nói chuyện cho biết, họ đã kiếm được 25-30% lợi nhuận tại những dự án căn hộ cao cấp và trung cấp, bà Lim nói.

Tuy nhiên, tìm được dự án phù hợp để phát triển không phải là dễ. Có được những mảnh đất tốt với giấy tờ rõ ràng và một mức giá hợp lý tiếp tục là một thách thức. Vì vậy, khả năng liên doanh, hợp tác giữa DN trong và ngoài nước đang được mở ra.

Vừa qua, Chính phủ loại bỏ giới hạn 49% sở hữu đối với người nước ngoài trong nhiều công ty niêm yết, một bước để thúc đẩy dòng vốn đầu tư và cung cấp một cơ hội tốt cho các nhà phát triển nước ngoài nắm giữ phần lớn cổ phần trong dự án nhà ở liên kết với các DN trong nước, bà Lim nhấn mạnh.