Nhà đầu tư nước ngoài “săn” dự án khủng

Theo CafeF

Thời kỳ bất động sản (BĐS) suy thoái thì đó cũng là cơ hội “săn” tài sản giá rẻ của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiền mặt đang là thứ vũ khí lợi hại nhất.

 Nhà đầu tư nước ngoài “săn” dự án khủng
Công ty Malaysia đã nắm trọn khu đô thị Park City Hanoi 77ha

Không bán được hàng dẫn tới thiếu vốn và nợ đọng, hàng loạt doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh BĐS rơi vào cảnh khốn đốn, thậm chí là ngưng hoạt động, phá sản, còn người lao động thì bị nợ lương, không có việc làm…dẫn đến phải bán dự án, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh.

“Nóng” chuyển nhượng dự án

Trong những tháng cuối của năm 2012, rất nhiều công ty đã công bố thông tin bán những dự án BĐS dở dang của mình, ngoài ra cũng không ít công ty đang âm thầm tìm đối tác để sang nhượng lại dự án.

Nhiều công ty ngoài ngành hiện đang phải thoái vốn khỏi nhiều dự án bất động sản như ngành dầu khí, khoáng sản, xuất nhập khẩu, công nghệ, đầu tư tài chính…khi BĐS không phải là thế mạnh của họ.

Dấu ấn rõ nhất trong năm 2012 là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang thực hiện tái cấu trúc với đông thái sẽ thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản. PVN đã chuyển nhượng dự án PVN Tower tại Mễ Trì cho PVC, đồng thời dự án này cũng được rút chiều cao từ 102 tầng như dự kiến ban đầu xuống 79 tầng. PVN cũng đang dần thoái vốn khỏi Oceanbank và PVFC.

Hàng loạt công ty con ngành dầu khí đang “khốn đốn” với bất động sản. Mới đây nhất, Hội đồng Quản trị công ty cổ phần kinh doanh Dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) đã thông qua Nghị quyết bán dự án chung cư cao tầng CT15 Việt Hưng với giá đạt điểm hòa vốn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc PVR cho biết, dự án CT15 có diện tích 3ha, dự kiến mức chào bán 230 tỷ, PVR phải chuyển nhượng dự án để tập trung vào dự án Hanoi Time Towers tại Văn Phú, Hà Đông. Cũng trong thời gian qua, PVR đã chuyển nhượng 18,15 triệu cổ phần PVR cho đối tác là Ocean Group với giá 10.000 đồng/cp.

Giữa tháng 12/2012 một công ty khác ngành Dầu khí là công ty cổ phần Địa ốc dầu khí (PVL) đã có Nghị quyết bán dự án Petrovietnam Green House tại Linh Tây, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh với giá khởi điểm 51 tỷ. Theo PVL (chưa kể 5,4 tỷ đã thu của 28 khách hàng), công ty này đã đầu tư vào dự án 163,3 tỷ, nếu bán thành công PVL lỗ đến 112,3 tỷ đồng.

Cũng như nhiều công ty khác, hiện PVL đang gặp phải nợ nần chồng chất với con số tổng nợ lên đến trên 425 tỷ, trong khi nhiều quý qua PVL vẫn kinh doanh thua lỗ. Áp lực về dòng tiền khiến đơn vị này phải bán lỗ tài sản.

Ở một lĩnh vực khác, công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình (TIX) cũng vừa họp Đại hội cổ đông và ra nghị quyết tạm ngưng đầu tư cho các dự án chung cư để chờ thời điểm.

Cũng chỉ trong nửa cuối năm 2012, công ty địa ốc Hoàng Quân đã “thâu tóm” tới 5 dự án BĐS tại TP. Hồ Chí Minh thông qua việc mua hoặc hợp tác đầu tư với các đối tác khác. Đơn vị này đã hợp tác với Nhà Đạt Gia, Võ Đình,…để phát triển chuỗi dự án Cheery 2,3,4, mới đây là mua lại dự án Nam Hiệp Thành. Đất Xanh Group cũng mua lại 2 dự án của Thiên Lộc và Gia Phú. Tổng giá trị là 550 tỷ đồng.

Đầu năm 2013, Thủ Đức House cũng đã công bố chuyển nhượng lại toàn bộ phần góp vốn tại dự án Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội với tổng giá trị 80 tỷ đồng.

Trên thị trường Hà Nội, giới đầu tư BĐS cũng đang xôn xao với nhiều thương vụ chuyển nhượng sắp đi đến “chung kết”, có thể kể đến như một dự án chung cư tại khu Mỹ Đình có giá chào mua bán đầu khoảng 150 tỷ, hay một dự án khu Minh Khai cao 25 tầng trị giá 110 tỷ,…

Nhà đầu tư nước ngoài “thâu tóm” dự án BĐS Việt Nam

Thông tin gây sự chú ý trong những ngày đầu của năm 2013 đó là việc đối tác Malaysia công bố sở hữu 100% dự án Park City Hanoi, sau khi công ty này mua lại 40% từ Vinaconex – Hoàng Thành. Trong cơ cấu cổ đông của Vinaconex Hoàng Thành, Vinaconex nắm giữ 25%, công ty cổ phần Hạ tầng Hoàng Thành sở hữu 43,5%; Vinaconex 1 sở hữu 12,5%; các thể nhân khác sở hữu 18,89%...Cuối tháng 10/2012, VCG đã công bố chuyển nhượng thành công 25% phần vốn này.

Như vậy, với việc mua lại 40% từ Vinaconex Hoàng Thành, Công ty Perdana ParkCity (thuộc Tập đoàn Samling, tập đoàn khai thác gỗ lớn nhất của Malaysia) đã nắm trọn khu đô thị Park City Hanoi có diện tích 77ha.

Một dự án khá “nổi tiếng” khác tại Hà Nội cũng đang rục rịch với thông tin chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án là khu đô thị Splendora tại Hoài Đức có quy mô 264,3ha, do Vinaconex và Posco E&C (Hàn Quốc) liên doanh đầu tư.

Vừa qua, VCG cũng đã có chủ trương thoái vốn khỏi dự án này, hiện VGG đang nắm giữ 50% vốn điều lệ An Khanh JVC, chủ đầu tư Splendora. Theo một nhà đầu tư thạo tin, trong vụ chuyển nhượng này, đã có “ông lớn” ngành viễn thông ở Việt Nam nhòm ngó dự án, nhưng đến nay thương vụ chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, cũng theo vị này thì ở Việt Nam hiện nay rất hiếm “người có tiền” để “xơi” món đó. Thông thường, trong những vụ chuyển nhượng như thế này, quyền ưu tiên được trao cho đối tác cùng góp vốn.

Như vậy, có thể thấy việc chào bán dự án của VCG cho đối tác trong nước khá khó khăn, có lẽ Posco E&C vẫn là cái tên sáng giá nhất trong thương vụ này.

Nhiều cái tên khác như Berjaya, Daewoo, Capital Land, Indochina Capital,…cũng đang sở hữu khá nhiều dự án BĐS ở Việt Nam. Berjaya thường sở hữu 100% hoặc liên doanh với công ty ở Việt Nam tỷ lệ 70-30, như dự án Hanoi Garden City 34ha Berjaya đang liên doanh với Handico12.

Berjaya cũng đang là chủ các dự án lớn khác như Trung tâm Tài chính Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh 930 triệu USD, Khu đô thị - đại học quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh: 3,5 tỉ USD, ngoài ra còn sở hữu 2 khách sạn 5 sao tại Hà Nội là InterContinental Hanoi Westlake, Saharaton Hà Nội, và Long Beach Resort tại Phú Quốc.

Capitalland mua lại dự án của Khang Điền với tỷ lệ 70%-30%,Vina Properties mua lại tổ hợp khách sạn và sân gôn Novotel Phan Thiet, Daewoo mua lại cổ phần từ 4 đối tác khác để sở hữu 100% khu đô thị Tây Hồ Tây 207ha,…và nhiều thương vụ khác.