Nhà giàu kêu cứu?

Theo Báo Đại Đoàn Kết

Trong bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa năm 2012, điểm nhấn đầu tiên có thể nhắc đến là sự đóng băng trong giao dịch của thị trường bất động sản. Và xã hội đã chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cũng như toàn ngành xây dựng nhằm cứu vãn thị trường này. Nhưng, thật bất ngờ khi mới đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng đưa đến thông tin: Năm 2012 có đến 80% doanh nghiệp BĐS đang hoạt động báo… lãi.

Nhà giàu kêu cứu?
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

42.197 DN ngành xây dựng có lãi

Thông tin về con số 42.197 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành xây dựng đạt kết quả kinh doanh có lãi vừa được Bộ Xây dựng đưa ra trong báo cáo trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cuối tuần qua đang khiến dư luận vô cùng ngỡ ngàng.

Cụ thể, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong năm 2012, các DN ngành xây dựng tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn như: thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng; DN thiếu vốn nghiêm trọng cho sản xuất và đầu tư phát triển nhưng không đủ chuẩn để có thể tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao khiến DN không dám tìm đến nguồn vốn ngân hàng. Tiếp tục đưa ra những khó khăn của ngành xây dựng, Bộ Xây dựng nhận định: Việc thị trường bất động sản đóng băng không chỉ gây khó khăn trực tiếp cho các DN kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, DN xây lắp, DN sản xuất, kinh doanh hàng trang trí nội thất,... Đặc biệt là mảng kinh doanh nhà ở, bất động sản bị đình đốn do thị trường trầm lắng.

Số liệu cụ thể được Bộ Xây dựng đưa ra như sau: Tính đến 31/12/2012, tổng số DN ngành xây dựng đang hoạt động là 52.746 DN (năm 2011 là 42.197); tổng số DN đăng ký thành lập mới trong xây dựng là 15.925 DN (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011); bất động sản là 1.103 DN (giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2011). Tuy nhiên, con số gây ra bất ngờ lớn nhất chính là: Tổng số DN ngành xây dựng kinh doanh có lãi đạt tới 42.197 DN  (chiếm hơn 80% số DN hiện đang hoạt động). Số DN kinh doanh thua lỗ là 15.296 doanh nghiệp.

Chỉ nhìn qua và so sánh với con số DN báo lãi và báo lỗ năm 2011, có thể thấy, số DN báo lỗ năm 2012 chỉ tăng thêm xấp xỉ 300 DN (năm 2011 có 14.998 báo lỗ), ngược lại số DN báo lãi tăng khủng khi có tới 42.197 DN kinh doanh có lãi (năm 2011, con số này chỉ là 33.362). Như vậy, so với năm 2011, số DN báo lãi tăng tới gần 10.000 DN. Đáng lẽ ra, thông tin về kết quả kinh doanh của các DN thuộc ngành xây dựng với con số làm ăn có lãi lớn như vậy phải khiến dư luận mừng vui thì ngược lại, thông tin này đang làm toàn xã hội sửng sốt. Không thể không sửng sốt khi mà, trong cả năm 2011 và năm 2012, kể cả tiệm cận sang tháng đầu của năm 2013, người ta đã quá quen khi thường xuyên được nghe những tiếng kêu cứu của giới DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Đáp lại những tiếng kêu cứu ấy, dư luận chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm tìm ra những giải pháp giải cứu thị trường này.

Liệu có cứu "nhầm”?

Và sau nhiều ngày tháng nỗ lực, nhiều giải pháp đã được đưa ra, gút lại, giải pháp được coi là tối ưu nhất, hữu hiệu nhất chính là sẽ chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng như gắn việc tháo gỡ khó khăn cho bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở Quốc gia giai đoạn 2020-2030. Và việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới cũng là giải pháp được các chuyên gia đánh giá là cứu cánh tốt nhất cho thị trường bất động sản khi mà con số tồn kho nhà ở đã lên đến hàng chục vạn, giao dịch mua bán gần như đứng yên, trong khi nghịch lý là số người cần nhà ở thực sự thì vẫn nhiều vô kể.

Sẽ thật tốt nếu như giải pháp chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để tạo cơ hội cho người thu nhập thấp được sở hữu nhà ở. Cũng có nghĩa, chính người nghèo sẽ được "cứu” khi thị trường bất động sản được tháo gỡ khó khăn. Thế nhưng, thực tế lại không hoàn toàn được như vậy. Bởi, nhìn vào con số DN báo lãi mà Bộ Xây dựng đưa ra, thì liệu chiếc phao giải cứu mà Chính phủ đưa ra cho thị trường này đã được đặt vào đúng chỗ?

Thực tế, ngay khi giải pháp phát triển nhà ở xã hội thay vì nhà ở thương mại được Chính phủ đưa ra với những ưu đãi lớn người ta đang chứng kiến những dấu hiệu của một cuộc "đua” xin chuyển đổi cũng như xây mới của nhiều chủ đầu tư bất động sản ngay từ những ngày đầu năm 2013 này. Đơn cử như khu đô thị Trung Văn mở rộng tại Từ Liêm (Hà Nội) vừa xin chuyển đổi sang làm nhà xã hội. Còn tại khu vực phía Nam, Lilama SHB và Công ty 584 cũng vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin điều chỉnh một số dự án nhà ở để tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Câu hỏi đặt ra ở đây: Những nỗ lực của Chính phủ cho việc cứu thị trường bất động sản liệu có làm ấm lại thực sự thị trường này và tạo cơ hội cho người nghèo có nhà ở, hay lại đang cứu và hỗ trợ cho những người giàu? Nói như  ông Mai Xuân Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu những số liệu của thị trường bất động sản trước đó không chính xác, không đáng tin cậy thì nguy cơ những giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 02 của Chính phủ sẽ chỉ đi cứu giúp "nhà giàu” (!)