Nhà ở xã hội: 5 yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp

PV.

Thủ tục bán nhà chặt chẽ, qua nhiều khâu thẩm duyệt; các quy định về vật liệu xây dựng sử dụng trong công trình nhà ở xã hội chưa hợp lý; sự hỗ trợ về gói tín dụng lãi suất thấp không ổn định... là những yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Nguồn: Internet
Nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Nguồn: Internet

Theo quy định, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất; được hoàn trả lại số tiền sử dụng đất đã nộp hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước.

Khách hàng mua nhà được giảm thuế giá trị gia tăng; doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được hỗ trợ vốn ưu đãi vay ngân hàng với lãi suất thấp; được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp, chủ đầu tư gặp phải những vấn đề khó khăn.

Thứ nhất, thủ tục bán nhà chặt chẽ, qua nhiều khâu thẩm duyệt. Đối tượng mua nhà phải chứng minh về nhà ở dưới 8m2/người, thu nhập bình quân gia đình dưới 9 triệu đồng/tháng và một loạt các giấy tờ khác cần xác nhận để đạt chấm điểm tốt như gia đình có công với cách mạng, đặc thù nghề nghiệp, gia cảnh… Hồ sơ mua nhà phải qua kiểm duyệt tại Sở Xây dựng.

Thứ hai, các quy định về vật liệu xây dựng phải sử dụng trong công trình nhà xã hội chưa hợp lý. Ví dụ: Dự án Rice City Linh Đàm, doanh nghiệp chấp nhận chi phí cao hơn để sử dụng gạch đỏ nung truyền thống, không sử dụng gạch cốt liệu không nung để đảm bảo công trình chất lượng bền vững, không bị thấm và nứt như thực tế công trình khác đã sử dụng.

Thứ ba, sự hỗ trợ về gói tín dụng lãi suất thấp không ổn định, chưa cụ thể. Sau khi kết thúc gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, khách hàng có nguy cơ phải vay với lãi suất cao hơn hoặc khách hàng có tâm lý chờ đợi gói hỗ trợ mới. Nhà nước cần có chính sách cụ thể, rõ ràng nhất quán trong dài hạn về lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội.

Thứ tư, giá bán nhà ở xã hội qua các cơ quan chức năng kiểm tra phê duyệt với mức lợi nhuận thấp.

Điển hình như dự án Rice City Linh Đàm, chủ đầu tư tự nguyện chấp nhận lợi nhuận thực tế là 2% để đạt giá bán theo quy định phải dưới 15 triệu đồng/m2, cụ thể đã qua thẩm định và phê duyệt với giá bán bình quân là 14,8 triệu đồng/m2. Với mức lợi nhuận này, nếu các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thông thường sẽ không muốn làm.

Thứ năm, gần đây quy định phải có 3 tầng hầm đối với nhà chung cư là không phù hợp với nhà ở xã hội do vị trí xây nhà xã hội luôn ở ven khu nội đô, không phải khu trung tâm với chiều cao xây dựng thấp, nếu áp dụng sẽ tăng thêm giá bán mà hiện nay theo quy định là chỉ duyệt giá dưới 15 triệu đồng/m2.