Nhà ở xã hội: Cầu vẫn mòn mỏi tìm cung...

Quang Sơn

Mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội, tuy nhiên, đến nay mới đạt khoảng 33%. Kết quả này cho thấy, chắc chắn sẽ không hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra.

Thiếu nguồn cung, thiếu vốn là rào cản khiến nhiều người chưa tiếp cận được nhà ở xã hội
Thiếu nguồn cung, thiếu vốn là rào cản khiến nhiều người chưa tiếp cận được nhà ở xã hội

 Với kết quả thực hiện trên, có thể khẳng định không thể hoàn thành được mục tiêu chiến lược đề ra, bởi thực tế cho thấy, cầu vẫn “mòn mỏi tìm cung”.

Theo ước tính của Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước có 98 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 47.000 căn hộ đã hoàn thành; 153 dự án với quy mô gần 94.000 căn hộ đang triển khai.

Bên cạnh đó, nhà ở dành cho công nhân, hiện có 100 dự án với quy mô hơn 40.000 căn đã hoàn thành, và 73 dự án với quy mô khoảng 88.400 căn đang triển khai.

Một số chuyên gia tính toán, với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 1 triệu dân cư đô thị và hiện trạng phát triển nhà ở thì đến năm 2020, nỗ lực lắm cũng chỉ đảm bảo thực hiện được 40% so với mục tiêu đề ra.

Nguyên do căn bản là, trong khi nhu cầu nhà ở ngày một cao, tộc độ đô thị gia tăng mạnh thì nguồn đất đai lai hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn vay là lực cản lớn nhất đối với người mua nhà và chủ đầu tư.

Về chính sách tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng, những chính sách này chưa thực sự phù hợp và sát với nhu cầu thực tế nên các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản không mấy mặn mà.

Theo ông Nguyễn Trần Nam -  Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc lấy 20% quỹ đất trong các dự án dành để phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều chuyện để bàn, bởi thực tế nhiều nhà đầu tư trù trừ không thực hiện, hoặc kéo dài thời gian thực hiện...

“Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Nhiều địa phương có quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng lại ưu tiên cho mục đích thương mại”, ông Nguyễn Trần Nam cho biết.

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với các người mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư dự án là vốn. Trong số hàng chục ngân hàng hô hào sẵn sàng cung vốn, nhưng chỉ có 4 ngân hàng áp dụng mức lãi suất tín dụng ưu đãi 5%/năm cho người mua nhà ở xã hội như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank.

Do mức thu nhập thấp và tâm lý thích “sở hữu” thay vì thuê mua nhà nên người dân khó tiếp cận được với những dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, giá cả trên thị trường nhà ở xã hội thấp nhất cũng phải từ 400 - 500 triệu đồng/căn...

Tất cả các yếu tố trên đã tạo ra lực cản đối việc phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến cung cầu không thể gặp nhau. Để cung cầu nhà ở xã hội gặp nhau, theo ông Nguyễn Trần Nam, trước mắt và lâu dài luôn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Nhà nước phải đảm nhiệm được thanh, kiểm tra tình hình phát triển nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã đề ra, từ đó gây sức ép lên chính quyền địa phương trong việc tuân thủ”...

Nhấn mạnh điều này, ông Nam cho rằng: Cần nhanh chóng triển khai cơ chế bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho chủ đầu tư dự án và người dân vay mua nhà ở xã hội; đồng thời, có chính sách tín dụng ưu đãi cho người mua nhà và chủ đầu tư.