Nhà ở xã hội đang “đói vốn”

PV.

Trước thực tế, nhiều dự án nhà ở xã hội đang phải “đắp chiếu” do thiếu vốn khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ cần vào cuộc để khơi thông nguồn vốn cho các dự án nhà ở xã hội...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra. Theo đó, mới hoàn thành bàn giao 186 dự án với 75.700 căn hộ, tương đương 3,78 triệu m2 sàn nhà ở.

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nay có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.

Nguyên nhân chính khiến việc thực hiện mục tiêu đề ra chậm tiến độ là không bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 là hơn 1.200 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được giao 500 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân.

Để giải quyết tồn tại này, Bộ Xây dựng vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng cấp bổ sung 3.000 tỷ đồng vốn vay mua nhà xã hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội đang bị ách tắc, cũng như sớm tạo điều kiện cho người nghèo, người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công khai giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, cụ thể là việc bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020;

Đồng thời, Bộ xây dựng cũng kiến nghi Chính phủ cấp cho các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản số 9716/NHNN-TCKT ngày 21/12/2016 để bù lãi suất cho vay trong năm 2018 là 3.431 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 22/5/2018, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng có văn bản gửi Thủ tưởng Chính phủ, kiến nghị về việc áp dụng một mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội ưu đãi là 4,8%/năm;

Lãi suất nợ quá hạn là 130% lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng hưởng thụ chính sách nhà ở xã hội, không phân biệt vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội hay tại tổ chức tín dụng được chỉ định, không phân biệt vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP hay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng nhà nước, đến nay, các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa được bố trí nguồn ngân sách giai đoạn 2016-2020 cấp bù chênh lệch lãi suất để cho vay nhà ở xã hội.

Vì vậy, ngay sau khi được bố trí nguồn ngân sách cấp bù chênh lệch lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện việc cấp bù chênh lệch lãi suất để cho vay nhà ở xã hội theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg.