Nhà ở xã hội sẽ tăng giá?

Theo enternews.vn

Bộ Xây dựng vừa đồng ý cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không được vay vốn với lãi suất ưu đãi được tính vào giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc áp lãi suất vào giá bán sẽ khiến hàng loạt dự án tăng giá trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bổ sung cho quỹ đất phát triển nhà ở xã hội đang ngày càng hiếm hoi so với nhu cầu, một số doanh nghiệp địa ốc phía Nam đã và đang tham gia mục tiêu san sẻ một phần gánh nặng “an cư lạc nghiệp” cho người dân thuộc đối tượng nhà ở xã hội theo chính sách quy định.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Quý – Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Tây Nha Trang, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, hiện trên địa bàn Nha Trang la liệt dự án nhà ở xã hội đang dừng triển khai hoặc hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân một phần là do giá bán những căn hộ này đang quá cao so với thu nhập của người dân. 

Những bài học còn nguyên giá trị

Ông Quý dẫn chứng, chung cư cho người thu nhập thấp An Bình có 130 căn nhà ở xã hội, ngày mở bán doanh nghiệp phát hành 225 hồ sơ nhưng chỉ ký hợp đồng được 7 hồ sơ; chung cư An Thịnh 160 căn, phát hành 72 hồ sơ chỉ nhận 10 hồ sơ đăng ký (chưa ký hợp đồng).

“Nguyên nhân bởi nhà ở xã hội nhưng các căn hộ lại có giá bán từ 13 – 16 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư đã giảm diện tích căn hộ từ 70 m2 xuống còn 45 m2/căn, coi như một giải pháp làm giảm giá mỗi căn nhà xuống nhưng tình hình cũng chẳng khá lên” – ông Quý cho biết.

Tại Hà Nội, tình trạng còn bi đát hơn. Sau khi được thành phố chấp thuận chủ trương điều chỉnh từ dự án thương mại sang nhà ở xã hội vào đầu năm 2013, dự án dự án nhà ở xã hội Bright City thuộc xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư mặc dù ở xa Trung tâm Hà Nội đến 20 km nhưng vẫn được chủ đầu tư đẩy giá lên hơn 14 triệu đồng một m2, trong khi giá đất thổ cư ở khu vực xung quanh đó chỉ ở mức 12-15 triệu đồng. 

Mức lãi suất vay mua nhà ở xã hội áp dụng trong năm 2017 được ấn định ở mức 5%, trong thời gian vay tối thiểu 15 năm, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Sau gần 3 năm mở bán, dự án vẫn đang tiếp nhận hồ sơ mua nhà đợt 4 với cả nghìn căn hộ chưa bán được. Danh sách người mua chủ đầu tư gửi lên Sở Xây dựng trong đợt mở bán thứ 3 cũng chỉ có 6 người đăng ký trong khi quy mô dự án xấp xỉ 1.500 căn.

Giảm giá là yêu cầu cốt tử

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tỏ ra không hài lòng khi nhà ở xã hội mà lại đẩy giá lên cao, điều này không phù hợp với người thu nhập thấp, người nghèo.

Ông Liêm cho rằng “bài học nhà ở xã hội của Nha Trang và Hà Nội cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nếu cứ giữ cách làm như hiện nay, chương trình phát triển nhà ở không những chưa nhắm trúng đối tượng ưu tiên mà còn không tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư bất động sản”. Ông Liêm cũng đưa ra gợi ý cho người dân. Nếu giá nhà ở xã hội cao quá có thể lựa chọn những dự án nhà thương mại có giá thấp hơn. 

Để hạ giá bán căn hộ, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng việc bố trí nguồn vốn cho nhà ở xã hội là vô cùng quan trọng. “Những quy định về nguồn vốn cho nhà ở xã hội đã được đưa vào luật, vì thế không thể vì lý do nọ lý do kia để trì hoãn”. 

Trong khi Bộ Xây dựng vẫn đang tiếp tục kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền bố trí một phần vốn cho các tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay theo quy định thì mới đây Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới nhằm giảm giá thành căn hộ.

Về lâu dài các địa phương và Trung ương bổ sung chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương tại Quyết định số 40 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.