Nhiều doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận

Theo NLĐ

Trong các báo cáo tài chính quý III, bên cạnh số tiền lãi ấn tượng cũng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy lợi nhuận của một số doanh nghiệp (DN) bắt đầu suy giảm, thậm chí bị lỗ.

Chuyên gia Huỳnh Anh Tuấn: “Khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư phải nhìn đến triển vọng thu nhập tương lai”. Trong các báo cáo tài chính quý III, bên cạnh số tiền lãi ấn tượng cũng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy lợi nhuận của một số doanh nghiệp (DN) bắt đầu suy giảm, thậm chí bị lỗ. Điều này báo hiệu thời kỳ “trúng số” đang đến hồi kết và DN sẽ bước vào giai đoạn thử thách cam go.

Khi nguồn nguyên liệu giá rẻ cạn

Vào thời điểm đáy khủng hoảng, một số DN đã nhanh tay tập trung vốn mua dự trữ nhiều nguyên liệu với giá cực rẻ hoặc các DN bất động sản được hưởng lợi nhờ sự ấm lên của thị trường, nhờ đó trong quý II đã thu lợi nhuận ấn tượng. Thế nhưng, khi nguồn nguyên liệu giá rẻ đã tiêu thụ hết thì DN phải mua nguyên liệu theo mặt bằng giá mới, làm cho lợi nhuận từ quý III bắt đầu suy giảm, thậm chí nhiều đơn vị lỗ nặng.

Theo báo cáo tài chính của Công ty Dầu Tường An (TAC), trong quý II, đơn vị đạt doanh thu 686 tỉ đồng và lợi nhuận là 20 tỉ đồng nhưng sang quý III, doanh thu giảm xuống còn 629 tỉ đồng và bất ngờ... lỗ 68 tỉ đồng. Nguyên nhân lỗ là do doanh số bán hàng giảm, chi phí tài chính tăng cao.

Còn Công ty Đầu tư bất động sản VN (VNI), doanh thu quý II đạt 6 tỉ đồng và lợi nhuận âm 63 triệu đồng nhưng sang quý III, doanh thu chỉ còn 35 triệu đồng và bị lỗ 695 triệu đồng... Ngoài ra, nhiều DN khác như Công ty BaSa (BAS) từ đầu năm đến nay liên tục bị lỗ, Công ty Nước giải khát Sài Gòn (TRI) tiếp tục bị lỗ quý thứ tư...

“Quả ngọt” không còn

Với ngành thép, vào thời điểm đáy khủng hoảng, nhiều DN đã tập trung vốn mua phôi giá rẻ (khoảng 250 USD/tấn) về dự trữ lâu dài, nhờ đó khi kinh tế phục hồi (giá phôi tăng lên 450 – 500 USD/tấn), họ đã tìm được khoản chênh lệch giá rất lớn.

Sau khi đã tiêu thụ hết lượng phôi giá rẻ, DN buộc phải mua nguyên liệu theo mặt bằng giá mới nên lợi nhuận giảm xuống. Trong quý III, Công ty Thép Việt Ý (VIS) đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 518 tỉ đồng, tăng 16% so với quý II nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 61 tỉ đồng, giảm 41% so với quý trước.

Nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, làm giá thành sản phẩm bị đẩy lên nên mặc dù doanh số tăng nhưng lợi nhuận giảm mạnh.

Ngoài ra, còn nhiều đơn vị khác như: SAM, REE, GMD, KDC, KBC... nhờ có “quả ngọt” từ chứng khoán phục hồi nên được hoàn nhập khoản dự phòng đầu tư tài chính của năm ngoái hoặc nhờ định giá lại tài sản là mặt bằng đất trong các dự án đầu tư liên doanh, liên kết nên lợi nhuận tăng cao bất thường. Nhưng sắp tới, khi “quả ngọt” không còn thì lợi nhuận sẽ suy giảm mạnh.

Phải nhìn đến triển vọng

Với những cổ phiếu đang suy giảm lợi nhuận, cần phải biết hạch toán giá với các chỉ số dự phóng cho năm tới, nếu không sẽ bị thất bại. Chẳng hạn đối với VIS , do quý II lợi nhuận tăng vọt nên khi cộng chung 4 quý thì hệ số P/E rất thấp. Do thấy “rẻ” nên nhiều nhà đầu tư vì thiếu kiến thức chuyên sâu đã tranh mua đẩy giá của mã chứng khoán này lên đến 144.000 đồng (vào ngày 13/10).

Nhưng sau khi lợi nhuận quý III được công bố gây thất vọng cho nhiều người thì giá của VIS giảm dần, đến nay chỉ còn 128.000 đồng. Còn VNI, do kinh doanh bất động sản nên trong đợt “sóng” vừa qua dù vẫn tiếp tục lỗ nhưng nhờ đeo theo “sóng” thị trường nên mã chứng khoán này được đẩy lên 61.000 đồng (nay đã xuống còn 47.000 đồng)...

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC), khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư phải nhìn đến triển vọng thu nhập tương lai, nếu chỉ vì thấy lợi nhuận đột biến nhất thời mà nhảy vào tranh mua, đẩy giá cổ phiếu lên cao thì rất dễ bị thua lỗ.