Nhiều nhà đầu tư mất kiên nhẫn, vì sao?

Theo ĐTCK

Sau một thời gian tích lũy ở mức 500 điểm, chỉ số VN-Index giảm dần và đặc biệt giảm mạnh trong các phiên giao dịch ngày 9 và 10/8 với mức giảm trên 10 điểm mỗi ngày. Các cổ phiếu tốt xấu đều đồng loạt giảm giá với khoảng 90 mã giảm sàn, nhiều mã khác giảm sát giá sàn. Điều gì đang "dìm" thị trường xuống?

Giải thích một cách trực diện về lý do thị trường giảm mạnh, một số môi giới chứng khoán cho biết, ở mức giá hiện nay, nhiều cổ phiếu buộc phải bán giải chấp. Và mức giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (10/8) cho thấy lượng bán giải chấp không nhỏ.  

Lý do các cổ phiếu blue-chip cơ bản tốt bị giảm giá mạnh trong hai phiên đầu tuần cho thấy tác động dây chuyền đã diễn ra. Theo đó, dòng tiền sau khi chạy vào các cổ phiếu "nóng", đã bị "kẹt" lại ở các cổ phiếu này do thanh khoản của thị trường giảm mạnh. Đội lái không lôi kéo được những NĐT nhỏ lẻ. Thời điểm này, các cổ phiếu nóng như HDO, AMV, TLT, MTG… đều đang điều chỉnh về mức giá trước thời điểm được đánh lên. Để đảm bảo trạng thái an toàn cho tài khoản, trong khi bị kẹt hàng ở một số cổ phiếu, NĐT buộc phải bán blue-chip. Blue-chip giảm giá mạnh lại đẩy một bộ phận NĐT khác bán giải chấp. 

Cho dù sức ép bán giải chấp không quá lớn và không diễn ra trên diện rộng cổ phiếu, nhưng trong lúc sức mua yếu và thị trường chưa nhìn thấy khả năng phục hồi trong ngắn hạn thì sức ép của nguyên nhân trên nhân lên gấp đôi.  

Thêm vào đó, một vài ngân hàng đã bán ra các cổ phiếu blue-chip để thu hồi vốn và để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 13. Đây là yếu tố khiến giá nhiều cổ phiếu blue-chip giảm và khó tăng trở lại. 

Tác động của Thông tư 13 trong lĩnh vực ngân hàng đã được giới chuyên môn nhắc đến cách đây vài tháng nhưng đến nay mới được báo chí đề cập cụ thể. Nhà đầu tư nắm bắt thông tin về Thông tư 13 và bắt đầu "chiết khấu" thông tin này vào giá cổ phiếu. Ngân hàng dưới áp lực của Thông tư 13 sẽ khó khăn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng. 

Lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm thêm nhưng chưa thấy dấu hiệu tiền vốn với lãi suất hợp lý được cung ứng đủ cho DN. Chừng nào chưa có dấu hiệu này thì thị trường khó tăng điểm. 

Hiện có một thực tế là ngay cả những NĐT theo trường phái đầu tư giá trị cũng bị thua lỗ trong đợt này khi các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt cũng giảm giá mạnh. Mức giảm giá có thể đưa chỉ số P/E từ 7 lần về 6 lần hoặc dưới 6 lần.  

Giám đốc một CTCK bình luận, "trong thị trường toàn NĐT cá nhân thì khó có thể nói đến đầu tư giá trị". Việc thị trường giảm mạnh được ông này cho là bình thường vì sau một thời gian nắm giữ cổ phiếu với hy vọng thị trường sẽ tăng lên, NĐT đã chán nản và bán cổ phiếu khi không thấy có yếu tố nào hỗ trợ thị trường. CTCK HSC cho rằng, phải mất thời gian để thị trường đánh giá hết ảnh hưởng của Thông tư 13.  

Hiệp hội Ngân hàng đã có kiến nghị về việc hoãn thời hạn thực hiện Thông tư 13 và kiến nghị này có thể được chấp thuận vì thực tế là nhiều ngân hàng khó thực hiện được quy định của văn bản này. Mặt khác, một số nhà chuyên môn cho rằng, nếu thực hiện theo Thông tư 13, sẽ bít lại khả năng tăng trưởng tín dụng, khả năng tạo tiền của các ngân hàng.

Nhìn từ góc độ khác, nhóm phân tích độc lập SA XA info nhận xét: nếu cho rằng thị trường "thiếu dòng tiền" là không thỏa đáng, bởi lẽ, hiện tại, dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế rõ ràng nhiều hơn năm ngoái (năm thực hiện chính sách kích cầu), lãi suất cũng không cao hơn năm 2006 là thời kỳ TTCK tăng trưởng mạnh mẽ. Nói nguồn cung cổ phiếu tăng nhiều và sức cầu yếu cũng không hẳn đúng vì quy mô TTCK Việt

Nam hiện vẫn còn quá nhỏ bé. "Theo chúng tôi, các chỉ số bị đẩy xuống quá mức chủ yếu là do sự thiếu minh bạch thông tin và do sự khiếm khuyết về hệ thống quản lý khiến cho thị trường bị lũng đoạn", nhóm phân tích của SA XA nhận định. 

Theo phản ánh của nhiều NĐT, ở nhiều DN niêm yết, việc hạch toán lợi nhuận theo mỗi quý phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo công ty và các cổ đông lớn. Việc cổ phiếu tăng hay giảm giá bao nhiêu đều có sự thỏa thuận của lãnh đạo DN  với nhóm đầu cơ cổ phiếu bên ngoài. Nếu thị trường giảm điểm, công ty công bố lợi nhuận thấp để giá cổ phiếu giảm mạnh, sau đó tin tốt sẽ được đưa ra vào quý sau.

Trong lúc thị trường đi xuống thì một bộ phận NĐT có khả năng mượn hàng bán để đánh giá xuống cổ phiếu, sau đó mua hàng giá thấp trả lại, nhưng cơ chế hiện thời không cho họ làm việc này. Bên cạnh đó, sự không minh bạch và lợi thế thông tin, tiền, hàng của các nhóm đầu cơ đã khiến thị trường méo mó. Sự méo mó của thị trường đã khiến nhiều NĐT rút tiền khỏi TTCK để chuyển sang kênh đầu tư khác. Lòng kiên nhẫn của các NĐT giá trị liệu có còn khi mà sự lạm dụng yếu tố đầu cơ và giao dịch nội gián đang khiến các khoản đầu tư của họ dần trở nên thua lỗ?