Nhổ bê tông - Trồng cột đất

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Thị trường bất động sản rơi chiều thẳng đứng, hàng tồn kho lớn, thị trường cạnh tranh gay gắt khiến nhiều doanh nghiệp (DN) ngành vật liệu xây dựng (VLXD) sống dở chết dở, phải rao bán cả nhà máy vẫn không hết khó khăn.

Nhổ bê tông - Trồng cột đất
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tỷ lệ các công ty có vốn FDI hiện chiếm đến 33% công suất toàn ngành khiến các DN trong nước không còn đủ lực để điều tiết thị trường và bình ổn giá. Không thể "ngủ đông" và cũng không thể lấn sân qua lĩnh vực khác, một số công ty xây dựng đã tìm đường vượt khó bằng cách sang nhượng dự án hoặc kêu gọi đóng góp cổ phần. Theo đó, một loạt thương vụ bán lại công ty, nhà máy đã được thực hiện khiến DN có vốn FDI hiện chiếm đến 33% công suất toàn ngành VLXD. Các DN trong nước đã để các mỏ đất sét, cát và fenspat... vào tay đối thủ.

Bán dại: Chết ngộp vì hàng tồn

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2012, có tới 17.000 DN ngành xây dựng thua lỗ trên tổng số gần 56.000 DN đang hoạt động. Tỷ lệ DN dừng hoạt động hoặc giải thể cũng tăng hơn 9% so với năm trước. Con số này tiếp tục tăng trong năm 2013 khi thị trường bất động sản vẫn tiếp tục lao dốc và chưa có dấu hiệu khởi sắc nào.

Nói về tình cảnh của các DN ngành VLXD, ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, cho biết: Tính đến nay, lượng clinker, xi măng còn tồn kho khoảng trên 3 triệu tấn (trên 3.000 tỷ đồng). So với năm 2011, sản lượng kính tấm xây dựng giảm 30%.

Chỉ riêng 7 DN sản xuất kính thì hàng tồn kho tính đến cuối năm 2012 đã lên tới 60 triệu m2, tương đương sản lượng kính sản xuất trong 4 tháng; kính nổi tồn kho 57 triệu m2. Gạch ốp lát tồn kho 60 triệu m2 và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh (tương đương khoảng trên 3.000 tỷ đồng) chưa bán được.

Ngay như gạch tuynel, loại gạch truyền thống xây dựng chiếm 90% với mức tiêu thụ 20 tỷ viên/ năm hiện cũng đang ế hàng. Vật liệu xây không nung như gạch nhẹ, gạch nhẹ bê tông khí chưng áp AAC... chỉ tiêu thụ 60 - 70% sản lượng...

Chẳng hạn, một số công ty sản xuất vật liệu xây không nung như Công ty CP Vinaconex 7, Công ty Vật liệu xây dựng BMC, Công ty V- Block, E- Block... vẫn chưa bán được sản phẩm ra thị trường mà chủ yếu phục vụ cho công trình của công ty.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty BMC, cho biết: "Tuy nhà máy sản xuất gạch ceramic và gạch ép của BMC đã chạy được hơn 60% công suất thiết kế nhưng mức tiêu thụ vẫn còn rất thấp".

Theo lý giải của ông Huynh, tình trạng này là do những năm qua ngành VLXD phát triển ồ ạt, khi thị trường suy thoái, giá nguyên vật liệu tăng cao, nội tại năng lực cũng như tài chính của các DN yếu dần do quy mô nhỏ, không có điều kiện tái đầu tư, cải tiến công nghệ để đưa ra sản phẩm mới, giảm giá thành.

Vì vậy, một số công ty phá sản hoặc phải bán. Song, nguyên nhân chủ quan là sự bất cập nội tại của ngành, trước hết là sự buông lỏng quản lý, thiếu định hướng quy hoạch phát triển.

Bán tống gặp săn mua

Sự hấp hối của ngành VLXD Việt Nam là cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài. Với thế mạnh về tài chính (lãi suất vay chỉ vài %), nhiều DN nước ngoài đã nhanh chóng chớp thời cơ, thực hiện các thương vụ thâu tóm. Sôi nổi nhất là các thương vụ mua bán trong ngành xi măng.

Cụ thể, Tập đoàn Seman Gresik (Indonesia) đã mua lại 70% cổ phần Công ty Xi măng Thăng Long thuộc Công ty Geleximco với giá 230 triệu USD, bao gồm cả dự án xi măng Thăng Long mở rộng và dự án xi măng An Phú - Bình Phước, đồng thời mua lại 70% cổ phần Công ty Xi măng Chinfon Hải Phòng.

Tương tự, Công ty Xi măng Hòa Phát (Hà Nam), Đồng Bành (Lạng Sơn) cũng phải bán lại cho Tập đoàn Xi măng The Vissai. Tuy không rao bán, nhưng khi Công ty Xi măng Fico có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 30%, các công ty nước ngoài cũng đang xếp hàng giành quyền ưu tiên.

Ở lĩnh vực gạch, thép, gốm sứ, kính... việc mua bán được dự đoán không kém sôi động khi rất nhiều DN trong lĩnh vực này đang loay hoay thoát khó hoặc hoạt động cầm chừng. Điển hình là cuối năm 2012, Prime, thương hiêu gạch ốp lát có tên tuổi tại Việt Nam, cũng đã bán 85% cổ phần cho Tập đoàn Siam Cement Group (Thái Lan) với giá 7,2 tỉ Bath (234 triệu USD).

Trước đó, Siam Cement cũng đã mua 99% cổ phần Nhà máy Xi măng Bửu Long. Gần đây, Công ty Gạch Granite Đồng Nai đã bán nhà máy cho Công ty Gạch men Bách Thành... Tháng 2/2013, Thép Ninh Bình cũng đã bán 51% số cổ phần cho Công ty CP Đầu tư tổng hợp Hà Nội và sau đó bán lại cho một tập đoàn thép của Nhật.

Thương hiệu Thép Pomihoa của Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp cũng bán 70% cổ phần cho Tập đoàn Thép Kyoei (Nhật Bản) và đã đổi tên thành Công ty Thép Kyoei Việt Nam... Ngoài ra, một số DN thép như Vạn Lợi, gạch Vĩnh Đức Sài Gòn cũng đang chào bán nhà máy nhưng chưa thành...

Có thể thấy, sau các thương vụ mua bán, cái lợi của bên bán là trút bỏ được nợ nần, có thêm nguồn vốn để đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi, còn bên mua thì đáp ứng được chiến lược mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, mua được các công ty với giá rẻ hơn trước đây.

Song món lời nhất của bên mua là được các thương hiệu và thị trường có sẵn, mặt khác so với việc xây dựng nhà máy mới thì phương án thâu tóm này không chỉ có lợi về tài chính mà còn cả về thời gian và thị phần.

Tuy mua bán là xu hướng tất yếu của thị trường, nhưng theo thống kê của Hội VLXD, tỷ lệ các công ty có vốn FDI hiện chiếm đến 33% công suất toàn ngành.

Ông Huynh cho biết: "Việc mua bán tuy có giải quyết được khó khăn trước mắt cho DN trong nước, nhưng về lâu dài, một khi các công ty nước ngoài giữ thị phần chi phối, các DN trong nước sẽ rất dễ mất thể chủ động do không đủ lực để điều tiết thị trường và bình ổn giá. Chưa kể, mục đích của các công ty này là xuất khẩu và đương nhiên, nguồn lợi nhuận thu về của họ cũng được chuyển ra nước ngoài".

Theo ông Huynh, hậu quả là chúng ta trở thành một công trường đầy khói bụi, ô nhiễm, còn các công ty nước ngoài lại được khai thác xuất khẩu tài nguyên, làm chủ nguồn nguyên liệu quý. Chẳng hạn, khi mua lại nhà máy gạch Prime, Tập đoàn Siam cũng được sở hữu các tài sản chủ yếu như mỏ đất sét, cát và fenspat, các nguyên liệu thô chủ yếu để sản xuất gạch ceramic.

Nghiêm trọng hơn là có thể tác động tới an ninh biên giới, cụ thể là các dự án nằm ở vùng nguyên liệu đá vôi hiếm như ở vùng Đông Nam bộ, ở vùng biên giới liên quan đến an ninh quốc gia như nhà máy xi măng Fico, An Phú - Bình Phước, Thăng Long... đều nằm ở khu vực biên giới, cảng nước sâu và có vùng đá vôi rất tốt.

Nếu bán các dự án này, trong tương lai chúng ta sẽ không có nguồn đá vôi vì hiện tại đá vôi của Việt Nam cũng không nhiều, khả năng thiếu xi măng ở miền Nam sẽ rất dễ xảy ra.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết thêm, không ít các thương vụ mua bán được thỏa thuận thanh toán theo phương án trả dần, không trả liền một cục tiền nên DN sau khi bán nhà máy vẫn khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, cũng cho rằng, sau khi mua lại Prime, SCG sẽ có tổng công suất gạch ceramic đạt 225 triệu m2 và đạt chiến lược tăng cường sức mạnh cạnh tranh của SCG ở khu vực Đông Nam Á.

Song, cái khó là Thái Lan hiện đang yếu hơn Việt Nam về lĩnh vực gạch ceramic và gốm sứ, mặt khác, tổng sản lượng công suất thiết kế của ceramic và gốm sứ là 425 triệu/m2, trong đó riêng sản lượng ceramic đã chiếm 94m2, vậy nên việc Prime bán lại cho Siam Group, đồng nghĩa chúng ta sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với Thái Lan về thị trường xuất khẩu trong khu vực.

Mua khôn

Các vụ mua bán và chuyển hướng của DN ngành xây dựng càng quyết liệt hơn: CapitaLand mua lại cổ phần và cả dự án của Quốc Cường Sài Gòn và Công ty Khang Điền Sài Gòn để tạo quỹ đất và chuyển hướng phân khúc nhà ở cho người thu nhập trung bình.

Cotecons thoái vốn toàn bộ cho Quỹ Dragon Capital để bắt tay với Tập đoàn Đầu tư Kusto Group nhằm đạt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD trong 7 năm tới.

Một trong những thương vụ được cho là có lợi cho cả hai bên là thương vụ CapitaValue Homes Limited, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn CapitaLand, mua lại 65% cổ phần của Công ty TNHH Quốc Cường Sài Gòn (công ty con của Quốc Cường Gia Lai) với mức giá là 121,2 tỷ đồng.

Trước đó, CapitaValue Homes Limited cũng đã mua lại 70% cổ phần dự án chung cư tại quận 2, TP.HCM của Công ty Khang Điền Sài Gòn. Qua các thương vụ này, CapitaLand không chỉ giải được bài toán kinh doanh vào thời điểm căn hộ cao cấp đang chựng lại, mà còn thực hiện được chiến lược chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Ông Yip Hoong Mun, Tổng giám đốc Capitaland, cho biết: "Tuy thế mạnh của chúng tôi là một công ty xây dựng có kinh nghiệm và tiềm lực, nhưng điểm yếu của Capitaland là không có nhiều quỹ đất. Vì vậy, việc bắt tay với Khang Điền, Quốc Cường Gia Lai đã giúp chúng tôi có được quỹ đất để thực hiện chiến lược, đồng thời tạo được lợi thế cạnh tranh hơn so với các dự án khác".

Sau hai năm bán cổ phần cho Tama Global Investment Pte.Ltd., Cotecland đã củng cố được thế mạnh nhờ sự hỗ trợ của Tama Home trong việc chuyển giao các công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng và quản lý xây dựng bất động sản.

Trong đó, cái lợi lớn nhất, theo ông Đào Đức Nghĩa, Chủ tịch Cotecland "uy tín của Cotecland cũng được nâng lên, nhất là hoạt động kinh doanh của công ty ổn định trong giai đoạn thị trường bất động sản, xây dựng ngưng trệ”.

Đồng thời, công ty thực hiện được chiến lược đặt ra là đầu tư sang lĩnh vực y tế, đào tạo nguồn nhân lực y tá, cấp dưỡng vừa phục vụ cho hệ thống bệnh viện của công ty, vừa tiến tới xuất khẩu y tá có tay nghề cao sang các nước Myanmar, Singapore...

Ngoài dự án bệnh viện Đồng Nai lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với 1.400 phòng do Cotecland làm chủ, cuối năm 2012, Cotecland đã hợp tác với Shiny (Nhật Bản) để triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế và nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp.

Đồng thời, là cầu nối để huy động vốn cho các dự án Blue Sapphire Resort, dự án Bệnh viện Trường Lâm tại Hà Nội và một số dự án khác. Ông Nghĩa nói thêm, việc chuyển hướng phát triển nguồn doanh thu trọng yếu của công ty, từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản sang lĩnh vực xây lắp, được xem là thành công lớn trong hoạch định chiến lược của Hội đồng quản trị Cotecland.

Giá trị các gói thầu đạt được đối với các dự án từ nay đến 2015 khoảng 1.000 tỷ đồng sẽ đảm bảo doanh thu, lợi nhuận cao và ổn định của công ty, từ nay đến năm 2016.

Một hợp đồng gần đây của Công ty CP Xây dựng Cotecons và Tập đoàn Đầu tư Kusto Group cũng được giới chuyên môn đánh giá cao tính lợi ích cho cả hai bên. Cụ thể, phía Kusto đã hiện thực mục tiêu thâm nhập và có thể chiếm lĩnh thị trường Việt Nam vốn có rất nhiều tiềm năng về nhu cầu xây dựng hạ tầng, đồng thời có thêm đối tác uy tín để thi công những dự án của tập đoàn này tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Dương, Tổng giám đốc Cotecons, khẳng định: "Ưu thế lớn nhất để Kusto chọn hợp tác với Cotecons đó là định hướng chiến lược của chúng tôi sẽ trở thành công ty dẫn đầu thị trường và là công ty có khả năng vươn ra tầm khu vực.

Ngược lại, khi bắt tay với Kusto, chúng tôi cũng đã nhìn thấy thế mạnh của tập đoàn này là xây dựng cơ sở hạ tầng, lĩnh vực này cũng chính là chiến lược Cotecons đang đặt ra cho những năm tới.

Vì vậy, với số vốn 500 tỷ đồng cổ phần của Kusto, Cotecons đã có nguồn lực đủ mạnh để tham gia lĩnh vực cơ sở hạ tầng (mua sắm thiết bị, đầu tư nghiên cứu và chuẩn bị vốn đối ứng cho các dự án), đồng thời, có thêm khoản tiền dự phòng để tránh tình hình biến động kinh tế và thị trường khó dự đoán như hiện nay".

Theo giới phân tích thị trường, việc chọn Kusto cũng là một tính toán khôn ngoan của Cotecons, bởi trước đó, công ty này đã giảm tỷ lệ sở hữu quỹ nước ngoài xuống còn 15%, trong đó, đã thoái vốn toàn bộ cho Quỹ Dragon Capital, bởi xét về tính bền vững, các quỹ này chỉ là nhà đầu tư tài chính, việc hợp tác đơn thuần chỉ quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền...

Trong khi đó, định hướng chiến lược lâu dài của Cotecons là bền vững, các "mối lương duyên" với họ phải là người tìm kiếm nguồn công trình, mở rộng quan hệ khách hàng, bổ sung công nghệ, con người, kinh nghiệm quản trị nên Kuston phù hợp tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược của Cotecons.

"Với sự góp sức của Kusto, tham vọng của Coteccons là đạt doanh thu 1 tỷ USD trong vòng 7 năm tới và sẽ tiến tới thực hiện kế hoạch M&A với các công ty xây dựng nhỏ hơn để hiện thực hóa kế hoạch hợp nhất thị trường", ông Dương tiết lộ.

Cũng theo nguồn tin của Doanh Nhân Sài Gòn, Công ty Lĩnh Phong Conic cũng đã bán công ty cho một tập đoàn trong nước, tuy nhiên cụ thể thương vụ này vẫn chưa được công bố chính thức.

Được biết, sau khi thực hiện vài dự án căn hộ, Lĩnh Phong Conic lâm vào tình trạng khó khăn từ nhìều phía, mất kiểm soát về vốn, nợ vay ngân hàng khó thanh khoản nên phải bán công ty.

Còn lợi ích của bên mua lại Conic được cho rằng, khả năng sinh lợi của các dự án của Lĩnh Phong Conic về lâu dài vẫn có khả năng và dẫu sao công ty này vẫn có thương hiệu trong lĩnh vực xây dựng.