Những "căn bệnh khó chữa" khiến gói 30 nghìn tỷ mãi ì ạch giải ngân!

Theo kinhdoanhnet.vn

(Taichinh) - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị xử lý ách tắc của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Theo đó, Hiệp hội đã chỉ rõ những nguyên nhân khiến việc giải ngân gói tín dụng này quá thấp, quá chậm và không đạt như kỳ vọng ban đầu.

Vấn đề giải ngân gói tín dụng này thực sự đang đặt ra những thách thức rất lớn. Nguồn: internet
Vấn đề giải ngân gói tín dụng này thực sự đang đặt ra những thách thức rất lớn. Nguồn: internet

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng mới chỉ mới giải ngân được trên 20%, đây là mức giải ngân quá thấp, quá chậm và không đạt như kỳ vọng để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở. Trong lúc chỉ còn hơn 01 năm nữa, đến ngày 01/06/2016 thì gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ hết thời hạn giải ngân theo quy định của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.

Trước thực trạng này, Hiệp hội đã có những kiến nghị hằm chỉ ra nguyên nhân giải ngân "ì ạch" của gói tín dụng này nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân khi thời gian gói tín dụng hết hạn đang đến gần - ông Châu chia sẻ

Theo đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị tiếp cận nhà ở, là chủ trương lớn, chưa có tiền lệ. Do vậy, hệ thống chính sách và cơ chế tổ chức thực hiện đã phải mất một thời gian khá dài để được bổ sung, điều chỉnh cho hoàn thiện. Trên thực tế, phải đến ngày 01/06/2013 mới cơ bản có đủ điều kiện để giải ngân được, trong lúc thời hạn hiệu lực của gói tín dụng này chỉ có 03 năm (đến ngày 01/06/2016 hết hạn);

Trong khi đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do nhiều áp lực nội tại, đặc thù, nên trong quá trình triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ cũng rất chặt chẽ, nên kết quả thực hiện cũng còn những mặt hạn chế. Ví dụ, Chính phủ đã cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, dịch vụ; và nhất là cho phép phân chia căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ, nhưng các địa phương rất thận trọng khi xem xét giải quyết các nhu cầu này của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội, cơ chế, thủ tục để giải quyết cho người có thu nhập thấp đô thị tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng còn nhiêu khê, đặc biệt là thủ tục chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay; Nguồn cung căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2/căn, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, hoặc căn hộ có tổng giá bán dưới 1,050 tỷ đồng còn rất khan hiếm, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị.

Chính vì những nguyên nhân đó, đã dẫn đến những ách tắc hiện nay trong việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là hết sức khó khăn. Hiệp hội bất động sản TP. HCM đã chỉ rõ, đối với doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp bị vướng nợ xấu nên không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Một số doanh nghiệp xin chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, dịch vụ hoặc xin chuyển đổi căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ, nhưng chưa được chấp thuận, nên cũng không thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ không cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, hoặc có tổng giá bán dưới 1,050 tỷ đồng/căn) được vay từ nguồn vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Theo Hiệp hội, nếu cho phép chủ đầu tư các dự án này được vay thì đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, và tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp đô thị, và tăng tốc độ giải ngân gói tín dụng ưu đãi.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người có thu nhập thấp đô thị theo Hiệp hội vẫn còn quá nhiều rào cản khiến người dân khó tiếp cận với gói tín dụng này.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, theo quy định “phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng về nhà ở và chỉ xác nhận một lần; đơn vị xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình, không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập”, quy định tại mục 5 Thông tư 17/2014/TT-BXD ngày 18/11/2014 của Bộ Xây dựng. Yêu cầu này đã gây khó khăn và tâm lý ngại chịu trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị khi xác nhận tình trạng nhà ở của nhân viên thuộc quyền.

Đối với người có thu nhập thấp đô thị, có một sự mâu thuẫn là người có thu nhập thấp đô thị “là người làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoặc lao động tự do tại khu vực đô thị có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân mới là người có thu nhập thấp thuộc đối tượng được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng; Người có thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân (trên 09 triệu đồng/tháng) không phải là đối tượng có thu nhập thấp, nên không thuộc đối tượng được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, kể cả trường hợp đang chưa có nhà ở, hoặc đang ở chật (bình quân dưới 08m2/người). Trong khi các ngân hàng thương mại cho rằng người có tổng thu nhập dưới mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (09 triệu đồng/tháng) thì không đủ điều kiện về chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay khi tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, do vậy, không đủ điều kiện được vay để mua nhà.

Một rào cản nữa đối với người có thu nhập thấp là quy định: “Trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 01 năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó (có thể không liên tục) và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm”. Quy định này cũng là một trở ngại dẫn đến tình trạng nhiều công nhân, lao động nhập cư không đủ điều kiện để vay từ nguồn vốn ưu đãi để mua nhà. Theo thông tin từ Tổng công ty Becamex IDC (tỉnh Bình Dương) thì trong 4.000 khách hàng đã mua nhà ở xã hội của Công ty thì chỉ có 10% được vay gói tín dụng ưu đãi.

Tính đến ngày 25/2/2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay là 10.796 tỷ đồng (đạt gần 36%), tổng dư nợ là 6.187 tỷ đồng (đạt 20,6%). Sau gần hai năm triển khai, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng mới chỉ đi được 1/5 chặng đường.Nhìn vào tốc độ giải ngân thực tế của gói 30.000 tỷ đồng, một điều dễ nhận thấy là mục quá xa vời trước mắt có nguy cơ không thể thực hiện. Trong khi đó, theo mục tiêu ban đầu, gói tín dụng này sẽ hoàn thành giải ngân vào 1/6/2016, sau đúng 3 năm triển khai (1/6/2013).

Vấn đề giải ngân gói tín dụng này thực sự đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với các cơ quan quản lý. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia kinh tế và chủ doanh nghiệp đã thẳng thắn cho rằng, gói 30.000 tỷ do Chính phủ và Bộ Xây dựng đưa ra đã thất bại, không thể cứu bất động sản.