Những hiện tượng “lạ” trên thị trường tín dụng

Theo Nguyễn Đại Lai (VnEconomy)

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, ngành ngân hàng được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp, người dân cơ cấu lại sản xuất và giảm giá bán cho sức cầu đang giảm sút của xã hội thông qua giải ngân tín dụng có hỗ trợ lãi suất (giá vốn).

Tuy nhiên, từ chính sách này đang nảy sinh hiện tượng “lạ” đầu tiên, đó là liệu có sự nhầm lẫn giữa lựa chọn giải pháp cơ cấu lại thị trường và sức mua thay vì cơ cấu giá vốn?

Nhầm lẫn giải pháp?

Trên thực tế, các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại cũng là một loại hình doanh nghiệp, nếu nền kinh tế suy thoái, sức mua thấp, hàng hoá sản xuất không phù hợp với các nhu cầu bức thiết và khả năng thanh toán của người dân trong nước và của thị trường xuất khẩu ở nước ngoài thì việc giảm giá vốn (là nỗ lực của Chính phủ) và việc tổ chức thực hiện đúng đối tượng thụ hưởng của hệ thống ngân hàng cũng sẽ chỉ đạt được những hiệu quả không như mong đợi.

Và vì vậy, thậm chí do áp lực của công việc giải ngân tín dụng quá tải dẫn đến những thiếu sót trong khâu thẩm định tín dụng và tiềm ẩn những rủi ro cho các ngân hàng trong chu kỳ đáo hạn của tất cả các khoản tín dụng được hỗ trợ ngắn hạn (theo Quyết định số 131) là thời điểm 31/12/2009 này.

Do đó, các ngân hàng thương mại không thể không tính toán đến lợi nhuận ròng của mình trong “mùa” đáo hạn tín dụng đang chờ!

Để ý rằng, tổng doanh số giải ngân hỗ trợ lãi suất tín dụng đến giữa tháng 5/2009 đã thực hiện được trên 300.000 tỷ đồng trong tổng số 425.000 tỷ dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo “gói” hỗ trợ 17.000 tỷ (1 tỷ USD) của Chính phủ.

Vì vậy “dư địa” để tăng dư nợ có bao cấp cũng đã gần hết, trong khi sức mua xã hội chưa tăng, nhiều nhóm sản phẩm hàng hoá và dịch vụ vẫn đang là “xa xỉ phẩm” đối với đại bộ phận dân chúng... thì lãi suất giảm nhằm giảm giá một phần cũng còn xa vời và rất gián tiếp đối với đa số người mua.

Nếu các tổ chức tín dụng vẫn “đua nhau” tăng lãi suất huy động để lấy vốn giải ngân “ăn theo” với phần tín dụng có hỗ trợ lãi suất thì hãy xem chừng rủi ro tín dụng, kể cả “trong chuẩn” và dưới chuẩn! Nền kinh tế đang cần nhiều hơn các động thái cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại sức mua hơn là cơ cấu lại giá vốn.

Thêm một hiện tượng lạ nữa đã và đang rộ lên trong thời gian gần đây, cần phải nhận diện: trong các tổ chức tín dụng hiện nay số đông đang “thừa vốn ngoại tệ nhưng lại thiếu tiền ngoại tệ để bán theo nhu cầu”; tình trạng “Đô la hóa” đang hoành hành làm cho đồng tiền này “lên ngôi” ngay cả khi ở chính quốc của nó đang trong cơn khủng hoảng phải liên tục đổ tiền ra để cứu kinh tế!

Vì sao có những hiện tượng lạ này ngay khi cán cân thương mại đang kết dư sau 4 tháng đầu năm 2009 và cán cân vãng lai quý 1/2009 cũng thặng dư ở mức 2,6 tỷ USD so với mức âm 6,1 tỷ USD của cùng kỳ năm 2008.

Qua nghiên cứu và phân tích cho thấy, do quản lý ngoại hối chưa chặt, nên nhiều tổ chức kinh tế của Nhà nước vừa được “độc quyền” khai thác tài nguyên xuất khẩu, vừa “cửa quyền” và làm “đầu tàu” trong việc găm giữ ngoại tệ, làm cho ngoại tệ “thiếu” một cách giả tạo trên thị trường!

Giải pháp nào để ổn định thị trường?

Từ thực tế này, thiết nghĩ trước hết, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường các nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ với quy mô lớn hơn cho các ngân hàng thương mại để tạo thêm nguồn vốn VND cho các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho nền kinh tế theo các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và đóng vai trò là người mua - bán cuối cùng để tham gia giải quyết bài toán “thừa vốn, thiếu tiền ngoại tệ” hiện nay tại nhiều ngân hàng thương mại.
 
Thứ hai, khi cần, Ngân hàng Nhà nước có chính sách sẵn sàng bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại để gián tiếp can thiệp mạnh mẽ hơn, tạo thanh khoản và kích hoạt trở lại hoạt động bình thường của thị trường tín dụng nội tệ.

Thứ ba, các cấp, các ngành cần tập trung cơ cấu lại thị trường đầu tư theo hướng xác định đầu ra chắc chắn trước khi “đổ vốn” ra.

Các loại hàng hoá chắc chắn có đầu ra lúc này chính là: các mặt hàng thiết yếu như vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, cơ sở chế biến sau thu hoạch... có thị trường rộng lớn ở nông thôn, kết cấu hạ tầng thành phố và nông thôn, cơ cấu lại đô thị, đào tạo nghề,...

Thứ tư, thiết kế chính sách lãi suất phải tôn trọng qui luật thị trường trong mối quan hệ với tỷ giá và dự báo lạm phát thời “hậu suy giảm”.

Thứ năm, Nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ để chống “đô la hóa” trên tinh thần triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 695/TTg.

Ngoài ra, về tầm nhìn dài hạn, cần xem đây là “cơ hội vàng” để thống nhất quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước vào một đầu mối duy nhất là Ngân hàng Nhà nước. Việc này nên ghi ngay vào Luật Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo mới và chuẩn bị trình ra Quốc hội.

Cũng cần coi là giải pháp lâu dài và nên ghi vào luật mới cả nguyên tắc “trên lãnh thổ Việt Nam chỉ tiêu tiền Việt Nam” để bảo vệ nền tiền tệ độc lập của một quốc gia độc lập cho đến khi có một liên minh tiền tệ có lợi cho nhiều bên đủ hấp dẫn để thay thế.