Niêm yết ở nước ngoài: Doanh nghiệp lưỡng lự

.

Niêm yết chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và mong muốn thực hiện. Tại Hội thảo về niêm yết/chào bán chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nước ngoài đã thu hút sự quan tâm của khá đông doanh nghiệp và đã đi sâu vào những khó khăn cũng như thuận lợi của việc này, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính như hiện nay.

 

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sau thành công bước đầu trên các sàn chứng khoán nội, họ đã tính đến chuyện đi ra niêm yết tại các sàn chứng khoán nước ngoài. Ngoài việc để huy động vốn, đây cũng là cách để quảng bá thương hiệu của chính mình. Tại hội thảo, đại diện Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng đều tỏ ra ủng hộ việc doanh nghiệp Việt Nam niêm yết ở nước ngoài. Bởi, đây là một kênh huy động vốn quy mô lớn. Thông qua đó, khả năng huy động vốn nhanh và chi phí hợp lý, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam. Huy động vốn nước ngoài được cho là cần thiết để đa dạng hóa nguồn vốn, giảm sức ép lên hệ thống ngân hàng, chia sẻ và phân tán rủi ro. Ngoài ra còn giúp cổ phiếu của các doanh nghiệp tăng tính thanh khoản. Và quan trọng hơn là nâng cao uy tín và hình ảnh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
 
Theo ông Vũ Bằng- Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, về cơ bản Việt Nam đã có khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động niêm yết tại nước ngoài. Việc cấp phép của các cơ quan chức năng là không có gì khó khăn. Thời gian qua, một loạt sở giao dịch chứng khoán quốc tế đã có các hoạt động tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy quá trình tham gia niêm yết của các doanh nghiệpViệt Nam tại nước ngoài.

Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, trong nghiệp vụ của hệ thống ngân hàng, niêm yết ở nước ngoài của doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến vấn đề quản lý ngoại hối, về cơ bản mọi vấn đề kỹ thuật đã được đáp ứng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang ngiên cứu để sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp dễ dàng hơn khi niêm yết ở nước ngoài. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát hành, niêm yết chứng khoán ở nước ngoài trong việc mở tài khoản, chuyển vốn vào ra, tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Bằng, để niêm yết ở sàn ngoại, doanh nghiệp Việt Nam gặp ba khó khăn chủ yếu. Thứ nhất là sự khác biệt về chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Thứ hai, các sàn giao dịch nước ngoài có yêu cầu về vốn và lợi nhuận từ hoạt động SXKD khá lớn. Thứ ba, khung pháp lý cho họat động niêm yết trên thị trường nước ngoài đã có nhưng chưa đủ và thiếu các văn bản hướng dẫn.

Nhiều doanh nghiệp cho hay, những vướng mắc của họ chưa được giải quyết khi muốn niêm yết trên sàn nước ngoài như: xử lý thủ tục liên quan đến lưu ký, vấn đề theo dõi sở hữu nước ngoài để làm sao chốt được tỷ lệ trong nước thế nào cho phù hợp với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài... “Xử lý những vấn đề này phải từng bước và UBCK đang hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn quy trình thủ tục niêm yết trên sàn nước ngoài.” – ông Bằng nói.

Hai doanh nghiệp đã sẵn sàng nhất cho việc lên sàn ngoại là Vinamilk và SSI cho đến nay đều cho rằng, thủ tục không còn là vấn đề với họ nhưng e ngại lớn nhất là tình hình thị trường trong cơn khủng hoảng tài chính. Hiện các doanh nghiệp trong nước đang phải tập trung đối phó với các vấn đề khó khăn kinh tế, chứng khoán thế giới đang suy giảm mạnh so với trước đây thực sự chưa hẳn là thời điểm thích hợp để lên sàn ngoại. Tuy nhiên, ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN nhận định, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp tạo được hình ảnh, vị thế thương hiệu trên thị trường quốc tế, khai thông thêm được thị trường nước ngoài và doanh nghiệp có những bước tiến cải cách về công bố thông tin... từ đó tạo lòng tin cho việc đầu tư nước ngoài với Việt Nam.

Theo DDDN