Từ chuyện “thất hứa”

Thời gian gần đây, các vấn đề “chủ đầu tư ôm tiền bỏ trốn”, khách hàng “tố chủ đầu tư thay đổi thiết kế dự án”, “chủ đầu tư chậm bàn giao nhà”… lại tiếp tục “nóng” lên trên thị trường BĐS.

Mới đây, dự án Usilk City (Hà Đông, Hà Nội) lại một lần nữa minh chứng rõ nét về câu chuyện “thất hứa” của chủ đầu tư với khách hàng về tiến độ dự án. Cụ thể hàng trăm khách hàng đã đóng tiền mua căn hộ tại dự án này gần như hết hy vọng sở hữu nhà ở khi chủ đầu tư “đắp chiếu” dự án mang tiền của khách hàng “đổ” vào các dự án khác từ Bắc vào Nam. Trước tình hình đó, để “tự cứu mình”, khách hàng đã thỏa thuận với chủ đầu tư dự án này là Công ty Sông Đà Thăng Long thay chủ đầu tư trở thành người kiểm soát dòng tiền đổ vào dự án này, với mong muốn duy nhất được nhận nhà trong thời gian sớm nhất. Theo đó, thay vì nộp tiền trực tiếp cho chủ đầu tư, khách hàng đã mở tài khoản tại Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam. Tiền sẽ được nộp hằng tuần dựa trên kết quả triển khai của dự án.

Mệnh danh là tòa nhà đẳng cấp nhất nhì Hà Nội, nhưng Pacific Place tại 83B Lý Thường Kiệt đã tạo ra nhiều bức xúc cho người dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện khi chủ đầu tư tranh thủ mọi diện tích không gian, để bung ra hệ thống nhà hàng, ăn uống, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân tại đây và mỹ quan đô thị…

Một vụ việc tương tự khác, những ngày gần đây, nhóm khách hàng mua căn hộ cao cấp Tricon Towers tại Hoài Đức, Hà Nội lại bao vây trụ sở chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Việt để đòi tiền bồi thường thiệt hại sau khi chủ đầu tư “ngó lơ” tiến độ dự án với khách hàng và “ôm” 400 tỷ đồng tiền nộp của người mua bỏ trốn. Theo phản ánh của khách hàng, họ đã nộp 70% giá trị căn hộ để đợi nhận giao nhà và đóng nốt 30% còn lại. Ngày giao nhà theo hợp đồng là ngày 31/12/2011 và chậm nhất là ngày 30/6/2012, tuy nhiên, đến nay dự án vẫn không “nhúc nhích”.

Tình trạng trên không chỉ “nóng” ở Hà Nội, mà tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, khách hàng mua căn hộ Mỹ Phú (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) đã kéo đến cao ốc Petroland Tower yêu cầu doanh nghiệp này giải trình tiến độ dự án. Theo hợp đồng, thời hạn bàn giao căn hộ của dự án này là tháng 6/2012 (được cộng trừ 3 tháng), nhưng đến tháng 7/2013, dự án này vẫn “đắp chiếu”.

Tuy nhiên, không giống với các trường hợp trên, dự án Quốc Cường Gia Lai 2, huyện Bình Chánh được coi là trường hợp đặc biệt khi  chủ đầu tư ký kết được 283 hợp đồng, nhưng dự án này mới chỉ có 11 khách hàng góp vốn đúng tiến độ, chiếm 95%, số còn lại chỉ góp vốn khoảng 25% và ngưng không đóng tiền tiếp từ 2 năm trước. Điều này khiến chủ đầu tư phải vay tiền để xây nhà, chờ khách hàng nộp tiền để trả lại ngân hàng, nhưng nay tiền thu không có mà hàng ngày phải trả lãi vay…

Người mua nên thận trọng

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến chủ đầu tư “lỗi hẹn” với khách hàng là do thị trường BĐS trầm lắng kéo dài, thanh khoản yếu, cộng với khả năng eo hẹp về tài chính của các chủ đầu tư đã làm cho các dự án bị đình trệ.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cần loại bỏ, cấm chủ đầu tư được bán nhà trên giấy. Vì bấy lâu nay các dự án xây dựng căn hộ vẫn thường dùng từ “góp vốn”. Thực chất đó là bán nhà trên giấy bằng cách huy động vốn từ chính người mua. Đây là điều khiến khách hàng buộc phải cầm dao đằng lưỡi, rủi ro rất cao.

Việc chủ đầu tư khẳng định chắc chắn đúng tiến độ là rất khó vì có những trường hợp bất khả kháng xảy ra, như hiện nay, tình hình kinh tế khó khăn, kinh tế chậm phát triển cũng ảnh hưởng tới các dự án đầu tư đang thiếu vốn.

GS., TSKH. Đặng Hùng Võ

Trao đổi về vấn đề này, GS.,TSKH. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường chia sẻ, người tiêu dùng cần có tư duy nghiêu cứu và tìm hiểu kỹ về những điều khoản cụ thể của hợp đồng trước khi ký kết các hợp đồng góp vốn với các chủ đầu tư dự án BĐS.

“Việc chủ đầu tư khẳng định chắc chắn đúng tiến độ là rất khó vì có những trường hợp bất khả kháng xảy ra, như hiện nay, tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát, kinh tế chậm phát triển cũng ảnh hưởng tới các dự án đầu tư đang thiếu vốn”, GS., TSKH Võ nói.

Theo chuyên gia Đặng Hùng Võ, đối với những trường hợp dự án chậm tiến độ mà điều khoản hợp đồng không quy định rõ ràng thì chủ đầu tư và khách hàng chỉ còn cách cùng ngồi với nhau đàm phán. Tuy nhiên, nguy cơ mất vốn là hiện hữu, người tiêu dùng luôn bị thiệt thòi với kiểu mua nhà trên giấy này. Đây cũng chính là bài học “đắt giá” của nhiều người mua nhà trong suốt thời gian vừa qua.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, việc đảm bảo tiến độ của các dự án trong thời gian sắp tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp phải xin giãn tiền sử dụng đất. Nhiều dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch, chứng tỏ, nguồn vốn cũng như năng lực của các doanh nghiệp đang là một dấu hỏi lớn.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 8 - 2013

“Nóng”… chuyện kiện tụng

Nhật Nam

(Tài chính) Có lẽ chưa bao giờ vấn đề kiện tụng các chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) lừa khách hàng về tiến độ dự án, chiếm dụng vốn lại “nóng” như hiện nay. Điều đáng nói là câu chuyện này đang có chiều hướng gia tăng tình tiết phức tạp kéo dài giữa khách hàng với chủ đầu tư.

Xem thêm

Video nổi bật