Ông Lê Đức Thúy: Bức tranh về tỷ giá không quá "tối" như nhiều người nghĩ

Theo Cafef.vn

Theo số liệu mà IMF cung cấp thì trong vòng 5 năm qua, cán cân thanh toán ngoại tệ của nước ta cơ bản vẫn luôn thặng dư.

 Tại cuộc đọa đàm về Tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ do Hiệp hội hàng tiêu dùng tổ chức sáng nay (ngày 25/2/2011) ông Lê Đức Thúy – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã khẳng định: “Những biện pháp về ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát của Chính phủ được đưa ra đã có một nền tảng kinh tế vĩ mô tốt hơn các đánh giá được đưa ra trước đó….”

 Cụ thể ông Thúy dẫn chứng, năm 2009, bội chi ngân sách là 9% GDP và đến năm 2010 con số này chỉ còn là 6% GDP, trong khi đó các khoản chi tiêu ngân sách vẫn không bị cắt giảm quá mức.
 
Chúng ta nói rằng, VND mất giá, ngoại tệ liên tục lên giá do cung không đáp ứng đủ cầu. Tuy nhiên, theo số liệu mà IMF cung cấp thì trong vòng 5 năm qua, cán cân thanh toán ngoại tệ của nước ta cơ bản vẫn luôn thặng dư. Song chúng ta lại đưa ra những con số mà theo tính toán tổng thể lâu nay của chúng ta thì cán cân thanh toán lại thâm hụt, nguyên nhân vẫn được xác định là do nhập siêu. Đúng là nhập siêu có sự tăng lên qua các năm, cụ thể năm 2005 nhập siêu là 2,5 tỷ USD, 2006 là 1,2 tỷ USD, 2007 là 9,3 tỷ USD, 2008 là 11 tỷ USD, 2009 là 10,4 tỷ USD và 2010 nhập siêu là 8,9 tỷ USD.
 Còn thâm hụt tài khoản cán cân vãng lai thì năm 2005 thâm hụt là 0,6 tỷ USD, 2006 bội thu là 1,4 tỷ USD, 2007 thâm hụt 6 tỷ USD, 2008 thâm hụt 9 tỷ USD, 2009 thâm hụt 8,2 tỷ USD và 2010 thâm hụt 5,8 tỷ USD.
 Theo ông Thúy, nếu nhìn nhận thâm hụt vãng lai như một chỉ số đáng quan ngại về sự lành mạnh của cán cân thanh toán thì mức thâm hụt đó lên đến khoảng trên 10% GDP thì mới đáng lo ngại. Nhưng năm 2010, thì mức thâm hụt này ở Việt Nam cũng vào khoảng 5% GDP, xét về cả tuyệt đối lẫn tương đối thì có thể thấy rằng con số này tương đối lành mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc tính toán dòng tiền vào không chỉ bù đắp được thâm hụt vãng lai đó mà nó còn thặng dư, hay nói một cách khác là số tiền ngoại tệ đang tồn tại ở Việt Nam còn nhiều hơn cả số tiền ngoại tệ “chạy” ra ngoài.
 Cụ thể, cán cân thanh toán cơ bản mà IMF tính, năm 2005 là thặng dư 3,1 tỷ USD, 2006 thặng dư 6 tỷ USD, 2007 thặng dư 8,9 tỷ USD, 2008 thặng dư 2,6 tỷ USD, 2009 thặng 3,5 dư tỷ USD, 2010 thặng dư 6,8 tỷ USD…
 Trả lời câu hỏi, tại sao cán cân thanh toán tổng thể mà Việt Nam công bố hay ngay cả theo cách tính của IMF thì nó vẫn thâm hụt? Ông Thúy giải thích, do nước ta có khoản mục lỗi và sai sót trong thanh toán ngày càng tăng lên mà chủ yếu là do người dân, doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, không đưa vào thị trường. Điển hình như năm 2009 con số lỗi và sai sót của cán cân thanh toán tổng thể là – 13,5 tỷ USD, 2010 là – 14,3 tỷ USD và chính điều đó đã khiến cho năm 2009 cán cân thanh toán tổng thể - 8,2 tỷ USD và năm 2010 thâm hụt 3,8 tỷ USD.
 Do đó, nếu chúng ta có những chính sách đúng để có thể vãn hồi được lòng tin thì nó sẽ thặng dư chứ không phải thâm hụt, ngoại tệ vẫn nằm rất nhiều trong đất nước chúng ta nhưng nó không đưa được vào các kênh chính thức nên đã tạo ra một bức tranh không chân thực về thực trạng vĩ mô của Việt Nam – ông Thúy nói.
 Xuất khẩu đã phục hồi ấn tượng và tốc độ xuất khẩu năm 2010 là 26%, trong khi nhập khẩu xuống chỉ còn 18%. Và theo Nghị quyết của Chính phủ thì cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu Việt Nam sẽ dần đưa mức nhập siêu xuống mức dưới 16%, điều này hoàn toàn có thể làm được – ông Thúy khẳng định.
 Về vấn đề dự trữ ngoại hối, mặc dù không công bố con số cụ thể nhưng theo ước tính hiện nay dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn khoảng 1 nửa so với năm 2007. Mặc dù có kém hơn so với trước đó, nhưng khi cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực diễn ra năm 1997 thì dự trữ ngoại hối của nước ta chưa được 1 tỷ USD và cái dư địa dùng nó để can thiệp gần như là không có.
 Ông Thúy nhấn mạnh, về những giải pháp thực hiện có thể là sẽ rất khác nhau nhưng nếu chúng ta điều hành một cách linh hoạt và khôn khéo thì với những quyết sách mà Chính phủ đã ban hành, cùng với những nền tảng vĩ mô mà chúng ta đang và sẽ có thì chúng ta có thể đưa tình hình vĩ mô trở lại ổn định trong ngắn hạn.Từ đó, có những chính sách và cơ chế đầu tư thích hợp hơn cho những bước phát triển xa hơn.