Phân khúc nào đón dòng tiền lớn hậu COVID-19 ?

Theo Diệu Phan/reatimes.vn

Việc nới lỏng giãn cách xã hội, thí điểm mở cửa du lịch cùng với chiến dịch tiêm vắc xin đang giúp thị trường bất động sản dần hồi phục. Trong đó, phân khúc đất nền được đánh giá sẽ thu hút dòng vốn lớn của nhà đầu

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

 

Đất nền ven Sài Gòn dậy sóng sau đại dịch

Theo nhận định của các chuyên gia, 4 tháng gần đây, do giãn cách xã hội để chống dịch nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào bất động sản mà hầu như tập trung vào chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường chưa xảy ra hiện tượng bán tháo bất động sản, nhất là ở các địa phương lân cận TP. Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn giữ tiền và chờ cơ hội để mua bất động sản sau dịch.

Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy giá bất động sản vùng ven tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có xu hướng giảm, thậm chí tăng mạnh trong thời gian đại dịch bùng phát. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về sức mua của tất cả các phân khúc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số người có điều kiện tài chính vẫn lựa chọn bất động sản là kênh trú ẩn và đầu tư hàng đầu. Trong đó, phân khúc đất nền vùng ven tiếp tục giữ vị thế chủ lực, trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh trải qua 4 quý liên tục thiếu vắng nguồn cung mới.

Còn theo ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hoà, dù trải qua 4 tháng dịch COVID-19 bùng phát nhưng giá bất động sản ở các tỉnh chưa có hiện tượng bán tháo. Thị trường chỉ ghi nhận khoảng 10-20% người giữ bất động sản vùng ven muốn bán vì cần tiền.

Cũng lý giải việc giá bất động sản vẫn có xu hướng tăng, Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, việc nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào bất động sản tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính. Hiện nay, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch COVID-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn.

Từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất. Nhu cầu đầu tư vào bất động sản trước khi dịch COVID-19 bùng phát chiếm đến 75%. Các tháng gần đây, do giãn cách xã hội nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào bất động sản mà tập trung vào chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó dòng tiền sẽ lại quay trở về với bất động sản.

“Trong tình trạng đại dịch, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, lại không am hiểu về chứng khoán sẽ có xu hướng rót vào bất động sản, kênh đầu tư vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong dài hạn. Tâm lý nhà đầu tư với thị trường bất động sản hiện tại vẫn là tin tưởng vào sự phục hồi”, ông Quốc Anh nhận định.

Thủ phủ công nghiệp mới đón đầu làn sóng đầu tư sau dịch

 Thời gian gần đây, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp nhưng nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là một trong những "điểm sáng" thu hút được dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong số ít các địa phương phía Nam ghi nhận làn sóng đầu tư vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp dịch bệnh hoành hành. Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong 8 tháng đầu năm 2021, tỉnh có 39 dự án đầu tư được cấp mới, trong đó, có 11 dự án FDI và 28 dự án trong nước. Tổng vốn thu hút hơn 945 triệu USD, đạt hơn 150% kế hoạch năm, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2020.  

Mới đây, Tập đoàn Quantum (Mỹ) vừa ký thỏa thuận cam kết đầu tư 20 - 30 tỷ USD vào thị trường Việt Nam, trong đó có nhiều dự án được đề xuất ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể, Quantum đặt trọng tâm đầu tư tại Việt Nam vào những lĩnh vực quan trọng như nhà máy điện Long Sơn (trị giá khoảng 5 tỷ USD) tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Quantum cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư lớn vào mảng logistics tại Vũng Tàu và xây dựng tuyến đường sắt từ Vũng Tàu kết nối Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.

Trước đó, Tập đoàn AMATA (Thái Lan) đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc xin nghiên cứu để đề xuất dự án đầu tư tại địa bàn xã Cù Bị, huyện Châu Đức nhằm hình thành một khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ cửa ngõ phía ây Bắc của tỉnh với tổng diện tích khu vực khoảng 3.800 ha.

Cũng trên địa bàn huyện Châu Đức, theo đề xuất sẽ có thêm 4 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 5.700 ha, tăng tổng diện tích khu công nghiệp tại đây lên gấp 2,8 lần hiện tại. Theo đó, diện tích khu công nghiệp Châu Đức dự kiến chiếm 45% toàn tỉnh, gấp gần 1,4 lần diện tích khu công nghiệp của địa phương xếp thứ 2 là thị xã Phú Mỹ. Hiện nay, Châu Đức đang có 2 khu công nghiệp quy mô lớn là cụm khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức (2.287 ha, lớn nhất ở Bà Rịa - Vũng Tàu) và khu công nghiệp Đá Bạc (1.058 ha).

Bên cạnh việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và triển vọng về FDI, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhận được tin vui hồi cuối tháng 9/2021, khi Thủ tướng chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. Điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa đà tăng trưởng của dòng vốn FDI và các khu công nghiệp và bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi.