Phần lớn các giao dịch thanh toán vẫn dùng tiền mặt

Theo Dân Trí

Tiền mặt vẫn được sử dụng nhiều, phần lớn các giao dịch thanh toán của khu vực dân cư và một số DNNVV vẫn dùng tiền mặt.

Theo đánh giá của ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước: Tiền mặt vẫn được sử dụng nhiều, phần lớn các giao dịch thanh toán của khu vực dân cư và một số DNNVV vẫn dùng tiền mặt.

 Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đã cho biết như vậy tại Hội thảo - Triển lãm về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động ngân hàng năm 2010 (Banking Vietnam 2010).

 Với chủ đề “Phát triển công nghệ ngân hàng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn mới”, một trong những nội dung cốt lõi mà Banking Vietnam 2010 hướng tới là công nghệ ngân hàng với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của nền kinh tế.

 Theo đánh giá của ông Tiên, hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán phát triển chưa đồng bộ, mới tập trung ở các thành phố, đô thị, chưa trang bị đến các vùng nông thôn, miền núi. Hệ thống ATM vẫn chủ yếu là để rút tiền mặt, việc chuyển khoản chỉ được thực hiện trong nội bộ từng ngân hàng, hệ thống POS chưa phát triển và thiếu hệ thống chuyển mạch POS; do đó, lượng sử dụng tiền mặt chưa giảm.

 Các giao dịch thanh toán trong khu vực dân cư phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt. Ngay cả thành thị, nơi có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển TTKDTM như tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, giải trí, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch… việc sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến.

 Các hộ gia đình vẫn phải trả tiền điện, nước, điện thoại, cước Internet, truyền hình cáp… phần lớn bằng tiền mặt. Còn ở nông thôn thì phần lớn điều kiện khó khăn, trở ngại hơn, do đó TTKDTM còn kém phát triển, đại bộ phần người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại.

 Bên cạnh đó, thói quen, tâm lý sử dụng tiện mặt của một bộ phận cơ quan, tổ chức và đại bộ phận cá nhân vẫn còn phổ biến; ngoài ra còn một số yếu tố khác gây cản trở, hạn chế sử dụng TTKDTM như: văn minh thương mại, tâm lý ngại tiếp cận với công nghệ mới, ngại công khai hóa thu nhập, doanh thu, sử dụng tiền mặt với những mục đích không minh bạch…

 Theo bà Nguyến Tú Anh, CEO, Công ty CP Dịch vụ Thẻ Smartlink: Hiện có đến 70 - 80% giao dịch tại ATM là rút tiền mặt; bản thân các doanh nghiệp cũng ngại chấp nhận thẻ do phải công khai, minh bạch doanh thu bán hàng và rủi ro cao nên chưa mạnh dạn ứng dụng thương mại điện tử (3,5% số doanh nghiệp có giao dịch và thanh toán qua website).

 Xét về hệ thống ngân hàng, hệ thống POS thẻ nội địa chưa được chú trọng (chiếm <10% số POS); mạng lưới các máy POS chưa kết nối với ngân hàng, các liên minh ngân hàng; tiện ích trên ATM còn nhiều hạn chế; hạ tầng công nghệ của các ngân hàng còn nhiều khoảng cách…

 Còn các ngân hàng thương mại cho biết, vấn đề cốt lõi mà họ gặp phải khi triển khai các dự án thúc đẩy TTKDTM chính là hành lang pháp lý dành cho hoạt động này.

 Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietinbank cho rằng: Việt Nam cần phải sớm có hành lang pháp lý quy định về việc TTKDTM đối với các đơn vị cung cấp thanh toán điện tử cho khách hàng. Ở đây, không chỉ là những quy định cho ngành ngân hàng mà còn áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp đang bán hàng điện tử thanh toán online.