Quản lý ngoại tệ: Đừng để “nhờn” thuốc

Theo NLD

Việc điều hành thị trường ngoại tệ nếu không kiên quyết và đồng bộ sẽ phản tác dụng. Theo chỉ đạo của Ngân hàng (NH) Nhà nước (SBV), đến ngày 4-3, các NH thương mại phải báo cáo xong số dư tiền gửi ngoại tệ, ký quỹ ngoại tệ đến thời điểm hết tháng 2 của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các thành viên (tạm gọi chung là tập đoàn) theo danh sách xác định. Mục đích của việc này là thực hiện chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các đơn vị này phải bán lại ngoại tệ cho Nhà nước. Khi cần sử dụng, họ sẽ được NH cung ứng lại theo đúng giá niêm yết.

Không “dập lửa nửa chừng”

Năm 2009, do cung cầu ngoại tệ căng thẳng, Thủ tướng cũng đã yêu cầu 7 tập đoàn kinh tế Nhà nước bán hết ngoại tệ cho Nhà nước. Thời gian đầu, nhiều đơn vị thực hiện khá nghiêm túc nên SBV mua được nhiều ngoại tệ, nhờ đó cơn sốt USD được dập tắt. Nhưng rồi động thái “dập lửa nửa chừng” không phát huy tác dụng khi các tập đoàn kinh tế Nhà nước dần dần lảng tránh việc bán ngoại tệ cho SBV. Vì vậy, tỉ giá USD trên thị trường chợ đen liên tục bị đẩy lên. Mặc dù tiền gửi ngoại tệ của các tập đoàn Nhà nước chỉ được hưởng lãi suất 1%/năm nhưng do VNĐ mất giá mạnh nên các tập đoàn tìm đủ các lý do để găm giữ ngoại tệ trong tài khoản.

Do chính sách quy định các NH thương mại được giữ trạng thái ngoại tệ bằng 30%/vốn tự có nên trước tình trạng VNĐ mất giá, các đơn vị NH đua nhau mua vào ngoại tệ để bảo toàn vốn. Quy định này ra đời từ năm 2002, khi đó, vốn tự có của các NH thương mại rất nhỏ nên mức ảnh hưởng không lớn. Nay vốn tự có của các NH thương mại đã tăng gấp hàng chục lần nên khi mọi đơn vị tăng giữ USD thì tạo sự khan hiếm cho thị trường, đẩy tỉ giá USD ngày càng tăng cao.

Theo Pháp lệnh Ngoại hối, khi xét thấy cần thiết, để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, Chính phủ được áp dụng các quy định về nghĩa vụ bán ngoại tệ của người cư trú là tổ chức. Pháp luật  quy định rõ ràng như vậy, nhưng do từ trước tới nay, bộ máy thực hiện chưa triệt để nên để xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Việc bắt buộc bán ngoại tệ lần này có vẻ kiên quyết hơn nhưng nếu không thực hiện triệt để thì có thể lại xảy ra hiện tượng “lờn” thuốc như trước.

Tôn trọng kỷ cương quản lý

Cũng trong Pháp lệnh Ngoại hối có quy định: “Nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam, thực hiện mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam”. Thế nhưng thực tế, từ trước tới nay, tình trạng đô la hóa vẫn phổ biến trong niêm yết giá hàng hóa, thu phí dịch vụ, thanh toán tiền mua bán nhà đất…

Việc yêu cầu các tập đoàn kinh tế Nhà nước bán ngoại tệ cho Nhà nước là cần thiết nhưng đi liền theo đó cần phải có các giải pháp đồng bộ, Chính phủ cần có biện pháp mạnh để buộc cả thị trường phải sử dụng một đồng tiền trong thanh toán – đó là VNĐ. Theo một chuyên gia tài chính, việc điều hành thị trường ngoại tệ cần phải tôn trọng nguyên tắc, kỷ cương quản lý tiền tệ, nếu không sẽ phản tác dụng.