Rầm rộ giải pháp “cứu” bất động sản Hà Nội

Theo Đầu tư Chứng khoán

Đồng loạt các giải pháp từ giảm thuế, giảm lãi suất, giãn nợ, cung tiền… đã được Thủ tướng Chính phủ và một số thành viên Chính phủ đề cập tại buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội sáng 19/12.

Giải pháp "làm ấm" bất động sản đang khích lệ doanh nghiệp phát triển.
Giải pháp "làm ấm" bất động sản đang khích lệ doanh nghiệp phát triển.
Sau hơn một năm khó khăn, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội đứng trước cơ hội được “giải cứu” với nhiều giải pháp tổng thể, quyết liệt.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, do tác động của suy thoái kinh tế, lượng hàng tồn kho BĐS trên địa bàn Hà Nội tăng mạnh, dẫn đến tăng tỷ lệ nợ xấu BĐS tại các tổ chức tín dụng.

Thống kê lượng hàng tồn kho BĐS của UBND TP. Hà Nội cho thấy, thị trường BĐS thủ đô hiện còn 5.789 căn hộ (chưa bán và chưa huy động vốn), tương ứng 566.610 m2 sàn; lượng nhà biệt thự, liền kề là 3.483 căn, tương ứng ương ứng 874.825 m2 sàn; nhà thu nhập thấp còn tồn khoảng 330 căn hộ. Trong khi diện tích sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê còn khoảng 175.000 m2.

Những thống kê chính thức lượng hàng tồn kho BĐS (đặc biệt là tồn kho căn hộ) của UBND TP. Hà Nội, dù thấp hơn con số thống kê đã công bố của các tổ chức nghiên cứu trước đó, nhưng ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng cũng không hề nhỏ. Số liệu sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội cho thấy, nợ xấu BĐS tại Hà Nội hiện chiếm khoảng 13% tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn.

Trong bối cảnh lượng hàng tồn kho lớn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nếu chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, thị trường sẽ có những đột phá, vừa đáp ứng được nhu cầu người dân, lại hạn chế sự “lệch pha” của các phân khúc. Trong khi đó, việc hạ giá thành theo mong đợi của người dân thì cần có giải pháp đồng bộ. Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng cũng kiến nghị một gói tín dụng lãi suất thấp dành cho BĐS, coi đó như một gói kích cầu.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong năm 2013, NHNN sẽ xử lý khoảng 100.000 - 150.000 tỷ đồng nợ có liên quan đến BĐS. Để giải quyết lượng hàng tồn kho BĐS, NHNN sẽ cung ứng từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng cho các NHTM để cho vay mua nhà trong thời hạn 10 năm. Không chỉ yêu cầu các NHTM cho vay mua nhà với lãi suất thấp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn đề nghị các bên liên quan rà soát quy hoạch các dự án để các ngân hàng có cơ sở cho vay các dự án đúng trọng tâm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp tài chính gỡ khó cho các DN trong lĩnh vực BĐS và vật liệu xây dựng. Cụ thể, Bộ Tài chính kiến nghị giảm 50% số thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động cho thuê, cho thuê mua hoặc bán nhà ở xã hội từ ngày 1/7/2013 đến ngày 30/6/2014; giảm 30% thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở tại những căn hộ có diện tích sàn sử dụng dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 sàn sử dụng trong giai đoạn 1/7/2013 - 30/6/2014. Bộ Tài chính cũng kiến nghị mở rộng đối tượng người nước ngoài được phép mua nhà để ở hoặc kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang kiến nghị gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, gia hạn thuế TNDN, kiến nghị DN BĐS được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng. Theo đó, nhiều giải pháp tài chính dự kiến sẽ được thực hiện ngay từ tháng 1/2013.

Về khó khăn hiện thời của thị trường BĐS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, điều này do nhiều nguyên nhân, trước hết là do sự quản lý yếu kém. “Dân còn nghèo mà quy hoạch dự án toàn nhà to, nhà sang. Lúc thừa thì toàn thừa nhà to, nhà sang trong khi nhà nhỏ, nhà thu nhập thấp cho người lao động vẫn thiếu”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch dự án; phân loại xem dự án nào phải dừng, dự án nào được triển khai, dự án nào được chuyển đổi cơ cấu. Đặc biệt, cần quan tâm phát triển nhà ở xã hội hơn và phải đưa ra gói tín dụng lãi suất thấp cho đối tượng mua nhà xã hội, với lãi suất nên ở mức 4 - 5%/năm sau khi đã có hỗ trợ của địa phương. Ngoài ra, để gỡ khó cho thị trường BĐS, Chính phủ đang có đề án tổng thể giải quyết nợ xấu, trong đó 70% là nợ BĐS.

Để các giải pháp có hiệu lực và sớm đi vào thực tế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các giải pháp gỡ khó cho thị trường BĐS cần được đưa vào nghị quyết của Chính phủ để triển khai ngay từ đầu năm 2013.

Việc gỡ khó cho thị trường BĐS đang là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ. Các giải pháp tổng thể, quyết liệt nhằm gỡ khó cho thị trường BĐS đã được các đơn vị liên quan đề cập và dự kiến sẽ đưa vào thực hiện ngay từ đầu năm 2013. Những giải pháp này dù không thể khiến thị trường sốt nóng ngay lập tức, nhưng cũng tạo nên kỳ vọng mới cho sự hồi phục của thị trường BĐS thủ đô.