Sàn Hà Nội lên Sở, chính thức vận hành UPCoM

PV

Sáng 24/6/2009, một sự kiện quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HaSTC) chính thức trở thành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Cùng với thay đổi đó thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) cũng có phiên giao dịch đầu tiên.

Cùng với sự kiện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ra đời sáng 24/6 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội thì thị trường UPCoM cũng có phiên giao dịch đầu tiên. Như vậy, sau khoảng ba năm xây dựng, với một số lần lỡ hẹn, cửa UPCoM bắt đầu mở.

Về sự kiện này, ông Trần Văn Dũng, “tân” Tổng giám đốc HNX, nói: “Đây là bước hoàn thiện cuối cùng khép lại một quá trình chuẩn bị lâu dài, nhưng lại là bước khởi đầu hoạt động và phát triển của thị trường giao dịch chứng khoán các công ty đại chúng chưa niêm yết, được tổ chức và quản lý theo pháp luật với mục đích thu hẹp thị trường giao dịch tự do, tạo cơ hội giao dịch chứng khoán minh bạch, công khai cho công chúng đầu tư và cơ hội huy động vốn hiệu quả cho công ty đại chúng”.

Trước thềm sự kiện này, một văn bản quan trọng của Bộ Tài chính cũng đã kịp ban hành, Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại HNX, trong đó bổ sung quy định cho phép thành viên có đăng ký nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được phép mua và bán cùng một loại cổ phiếu trong một ngày giao dịch nhằm thực hiện vai trò người tạo lập thị trường.

Trong ngày 23/6, danh sách 10 cổ phiếu của 10 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trong đợt đầu tiên cũng đã được giới thiệu, gồm những đại diện trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, công nghệ, sản xuất công nghiệp, dược phẩm, thiết bị y tế và thủy sản. Trong đó, doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ lớn nhất là Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (mã VDS) với 330 tỷ đồng, vốn thấp nhất là Công ty Cổ phần Cafico Việt Nam với 16,291 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm 2009, ông Dũng cho biết định hướng đặt ra là UPCoM sẽ thu hút khoảng 40 – 50 doanh nghiệp đăng ký tham gia giao dịch.

Với nhà đầu tư, bắt đầu từ hôm nay, họ có thêm một lựa chọn mới, với những khác biệt về cơ chế và môi trường giao dịch. Vẫn còn quá sớm để nói về sự đón nhận của thị trường đối với UPCoM, nhưng có thể xét đến những khả năng trái chiều.

Như mục đích mà nhà quản lý đặt ra, UPCoM sẽ có khuôn khổ, có tổ chức và các quy định chung; có điều kiện để tạo minh bạch, an toàn hơn và thanh khoản cao hơn…, những điều mà nhiều nhà đầu tư mong đợi.

Nhưng ngược lại, những quy định liên quan đến biên độ (+/-10% đối với cổ phiếu), kỳ thanh toán T+3, bước đầu còn hạn chế giao dịch trong ngày cùng một loại cổ phiếu, sự đa dạng về nguồn hàng… có thể chưa hấp dẫn với những nhà đầu tư ưa sự tự do trên thị trường OTC.

Nhưng đó là một sự khởi đầu mới. Và thị trường bắt đầu dõi theo những chuyển động của “chỉ số thứ ba”, UPCoM-Index, cũng như chờ đợi sự mở rộng giá trị đại diện và ảnh hưởng của nó trong tương lai.