Sẽ không có làn sóng người nước ngoài mua nhà Việt Nam

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Nhiều chuyên gia cho rằng nới các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà là một chính sách tích cực, song không nên trông chờ đây là giải pháp "cứu cánh" cho bất động sản Việt Nam.

 Sẽ không có làn sóng người nước ngoài mua nhà Việt Nam
chính sách cho người nước ngoài mua nhà nếu được nới rộng có thể giúp giao dịch trên thị trường tăng 3-5%. Nguồn: internet

Gần đây, Bộ Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị việc nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà nhằm giải quyết hàng tồn kho, cứu thị trường bất động sản. Trong dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi đang được đưa ra để lấy ý kiến, Bộ tiếp tục đề xuất mở rộng các điều kiện trên.

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, những đề xuất đó phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, theo cơ quan này chỉ nên cho người nước ngoài được mua và sở hữu căn hộ chung cư hạng sang có giá bán từ 21 triệu đồng một m2 (tương đương 1.000 USD) trở lên để không cạnh tranh và làm ảnh hưởng đến người thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng nhận định chính sách này là cần thiết vì Nghị quyết 19 về việc nới điều kiện cho người mua nhà ban hành từ năm 2008 nhưng hiệu quả chẳng được là bao, trong khi đó hàng tồn lại đang "chất như núi". Trước đó, Bộ Xây dựng cho biết, từ khi thí điểm Nghị quyết đến hết quý II cả nước mới chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở, tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa.... Trong số này, khoảng 108 trường hợp, tương đương 80% là của cá nhân, còn lại thuộc sở hữu doanh nghiệp.

Phó giám đốc Đất Lành cho rằng với số hàng tồn địa ốc quá lớn, trong đó chủ yếu là các loại có đơn giá cao, nay cứ có người mua giúp các doanh nghiệp vượt khó là điều đáng mừng cho thị trường.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định, nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà sẽ không tạo thành một làn sóng và giải quyết hàng tồn không thể trông chờ vào cách này. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP-Invest) cho rằng chính sách này nếu được nới rộng thì có thể giúp thị trường đỡ tắc đầu ra. "Tuy nhiên, nếu trông chờ vào điều này thì tôi nghĩ sẽ không lấy gì làm sáng sủa", vị này nói.

Theo ông Hiệp, trong nhóm đối tượng này, chỉ có Việt kiều là số lượng mua có thể cải thiện, tạo nguồn cầu tốt hơn cho thị trường. Còn đối với các công ty và người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, công tác nhu cầu mua, sở hữu nhà đất không lớn.

"Số công ty nước ngoài đến đây kinh doanh còn phụ thuộc vào việc có làm ăn được hay không. Họ cũng không dại gì đầu tư một khoản bất động sản lớn để phải gánh rủi ro giá tăng giảm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang nhiều biến động. Còn những người nước ngoài đến làm việc, công tác cũng chủ yếu có nhu cầu đi thuê vì họ ở thời gian ngắn", Tổng giám đốc GP-Invest nhận định.

Ông Nguyễn Văn Đực cũng cho rằng, chính sách cho người nước ngoài mua nhà nếu được nới rộng cũng chỉ có thể giúp giao dịch trên thị trường tăng 3-5%, chắc chắn không có chuyện đột biến vì khách hàng chủ yếu là mua một vài căn riêng lẻ.

Đồng tình với quan điểm này, theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nếu các đề xuất của Bộ Xây dựng được thông qua thì cũng không thể tạo thành một làn sóng mua nhà của người nước ngoài. Do đó, không thể coi đây là "cứu cánh" để giải quyết hàng tồn kho.

"Nếu đối tượng này có mua thì cũng chủ yếu tập trung vào những khu vực trung tâm, nội thành, địa điểm đẹp. Trong khi đó, hàng tồn lại có số lượng lớn ở vùng ngoại thành, đang đô thị hóa mạnh. Vì thế, dù có nới thì tôi cho rằng cục diện cũng không thay đổi nhiều", chuyên gia này nhận định.