"Sóng" M&A nóng trở lại, kịch bản nào cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối năm?

Theo An Vũ/reatimes.vn

Du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau, đặc biệt, tăng trưởng du lịch là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển. Tính đến giữa năm nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã chứng kiến những hoạt động đầu tư sôi nổi, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới vào những tháng cuối năm.

  Nha Trang đang là một trongg những khu vực thích hợp để thu hút vốn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Nguồn: internet
Nha Trang đang là một trongg những khu vực thích hợp để thu hút vốn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Nguồn: internet

Vốn ngoại hướng vào khách sạn nghỉ dưỡng

Thị trường du lịch Việt Nam vốn được các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới và đứng đầu châu Á. Chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam thu hút gần 13 triệu lượt khách quốc tế và dự kiến mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế.

Doanh thu từ du lịch được kỳ vọng đạt 30 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Để có được những bước tiến lớn trong ngành du lịch, có thể nói cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch đã có sự đầu tư rõ rệt, đặc biệt là nguồn vốn từ nhiều “ông lớn” quản lý khách sạn thế giới đến với thị trường Việt Nam.

Trong một báo cáo thị trường của Savills nhận định, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nâng cao và lượt khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, các nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm các địa điểm phát triển và sở hữu trong lĩnh vực khách sạn.

Cụ thể, trong những tháng đầu năm, tập đoàn khách sạn Mikazuki của Nhật Bản đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào một dự án ở Đà Nẵng. Với diện tích gần 11,5ha, dự án phát triển nhằm đáp ứng một khu phức hợp khách sạn, công viên nước, công viên giải trí và khu ẩm thực đẳng cấp năm sao phía trước bãi biển Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Bamboo Capital, một công ty đầu tư có trụ sở tại Việt Nam, đã mua lại dự án khu nghỉ mát Malibu với giá khoảng 14,8 triệu USD từ Công ty TNHH Indochina Hội An Beach Villas.

Ngoài ra, CapitaLand đã mua lại khoảng 0,9ha tại một vị trí đắc địa ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Thương vụ này góp phần mở rộng danh mục đầu tư của CapitaLand lên đến 12 khu phát triển dân cư, một khu phát triển tích hợp và 21 khu nhà ở dịch vụ, trải dài trên khắp sáu thành phố của Việt Nam.

Những cuộc sáp nhập mua bán này cho thấy, các nhà đầu tư đã "làm nóng" thị trường với những những dự án có lợi thế riêng để phục vụ mùa du lịch cao điểm. Mặt khác, khi xuống tiền nhà đầu tư nhìn đã và đang nhìn về giá trị thực lâu dài của bất động sản nghỉ dưỡng.

Thị trường nào có triển vọng vào cuối năm?

Nhìn lại các thị trường có điều kiện phát triển bất động sản nghỉ dưỡng nhận thấy Nha Trang đang là một trong những khu vực thích hợp để thu hút vốn đầu tư. Cụ thể, trong bối cảnh câu chuyện đặc khu còn tranh cãi, nhà đầu tư còn chần chừ suy nghĩ thì khu vực Nha Trang có lợi thế khi nhà ga quốc tế Cam Ranh đã khánh thành và đi vào hoạt động với cơ ngơi đồ sộ, hiện đại, đạt chuẩn 4 sao quốc tế từ ngày 30/6.

Đáng chú ý, đường băng số 2 có vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng cũng sẽ được đưa vào khai thác cho nhà ga quốc tế Cam Ranh. Ngoài ra, nhiều chuyến bay thẳng từ Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc, Hồng Kông… đến Cam Ranh cũng đang và tiếp tục được mở thêm. Đây là những yếu tố thúc đẩy tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Nha Trang trong thời gian tới, tạo nền tàng để bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội phát triển đột phá.

Theo nhận định của Savills, Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định thị trường du lịch là một trong những chiến lược phát triển then chốt. Nhờ đó, loại hình khách sạn cùng với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng khác cũng nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các nhà đầu tư sẽ tăng cường các hoạt động đầy tư. Tuy nhiên, trong cuộc đua đã có quá nhiều sản phẩm đại trà, doanh nghiệp muốn thắng sẽ phải làm sản phẩm hội tụ đủ yếu tố “lạ - chất lượng”.

Mặc dù có những cơ hội mới cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng song nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian gần đây, bất động sản nghỉ dưỡng đang có thêm một xu hướng phát triển mới là nguồn khách nghỉ cuối tuần trong bán kính gần. Theo đó, các khu resort quy mô nhỏ hơn được chú ý đầu tư, nhất là homestay với giá “vừa phải”. Trong khi đó, các dự án resort quy mô lớn đồng bộ về tiện ích nhưng lại khá kén khách nên khó cạnh tranh.

Bên cạnh đó, vấn đề sổ đỏ cho các loại hình condotel, officetel vẫn còn là nút thắt. Tại hội thảo “Pháp luật và thực tiễn về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội mới đây, PGS.TS Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Quy định để cấp sổ đỏ cho condotel sẽ vẫn là câu chuyện dài bởi nếu thực hiện việc này thì các quy định cấp tỉnh phải có từ 5 năm trước. Nói cách khác, condotel muốn được cấp giấy chứng nhận ở thời điểm hiện tại thì 5 năm trước trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, đất cho phát triển condotel đã phải được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, quy hoạch sử dụng đất của UBND cấp tỉnh không hề có, để cấp giấy chứng nhận là condotel phù hợp với quy hoạch. Trong khi, đây là một điều kiện cơ bản của việc cấp giấy. Do vậy, tính pháp lý của condotel vẫn treo ở đó sẽ rất lâu mới có thể giải quyết được”.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung cũng cho biết, loại hình condotel vẫn được giao dịch trên thị trường trong khi mô hình này lại đang vi phạm điều cấm trong giao dịch bất động sản là Điều 8 của Luật Kinh doanh bất động sản. Vi phạm này nằm ở các khía cạnh như kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của luật; đầu tư các dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hệ quả là trong một số hợp đồng giao dịch condotel sẽ là vô hiệu.