Sóng thần ở Nhật Bản, ngành nào chịu “dư chấn”?


Các nhà đầu tư trên TTCK đang có những đồn đoán, nghi hoặc về những thiệt hại mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp niêm yết nói riêng gặp phải sau thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản - đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam.

 

Mặc dù còn quá sớm để ghi nhận những con số thiệt hại cụ thể (nếu có) của các doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh với đối tác Nhật Bản, nhưng thông tin ban đầu từ một số doanh nghiệp niêm yết cho thấy, một số ngành hàng xuất khẩu lớn sang Nhật có thể sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi.

 Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM), ông Nguyễn Thế Lữ tỏ ra lo ngại về việc sụt giảm doanh số của các công ty xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu mà SAM đang đầu tư. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến không chỉ SAM mà nhiều nhà đầu tư khác trên TTCK quan ngại và có động thái bán ra trên thị trường niêm yết trong những ngày vừa qua.

 Cao su là lĩnh vực bị ảnh hưởng trước tiên do thảm họa động đất ở Nhật Bản. Giá cao su trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh do lo ngại các nhà máy sản xuất ô tô ở Nhật ngừng hoạt động khiến sức cầu nguyên liệu này giảm. Các nhà nhập khẩu cao su ở các nước khác cũng vì thế mà ngừng ký hợp đồng mua mới khiến giá cao su càng giảm mạnh. Theo thống kê, giá cao su giao kỳ hạn tháng 8/2011 (kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất) đã giảm tới 4,5% chỉ trong phiên giao dịch ngày 15/3, về mức tương đương 4.665 USD/tấn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom). Giá cao su giao tháng 4 cũng mất 30 yên, còn 378,4 yên/kg. Trong khi đó, mức giá cao nhất thiết lập trong tháng 2 vừa qua lên tới 535 yên/kg.

 Dù giá cao su giảm là một thuận lợi với đối với các doanh nghiệp sử dụng cao su làm nguyên liệu đầu vào như săm lốp cao su, nhưng điều này trên thực tế cũng không hoàn toàn bù đắp được những quan ngại do giảm cầu trên thị trường xuất khẩu. Ông Phạm Hồng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty Cao su miền Nam (Casumina - CSM) cho biết, việc xuất khẩu sản phẩm lốp cao su sang Nhật Bản có thể không bị ảnh hưởng nhiều do đối tác nhập khẩu phân phối cho các nhà máy khác ngoài Nhật Bản chứ không chỉ các nhà sản xuất trong nước này, nhưng việc dự báo nguồn cầu cao su tự nhiên phục vụ ngành công nghiệp ô tô của các nước trên thế giới sụt giảm không phải không có cơ sở.

 Sau cao su, thép là nguyên vật liệu cơ bản được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng về giá do tác động của trận động đất, sóng thần tại Nhật Bản làm giảm nguồn cung trong khu vực. Đến thời điểm này, giá thép trên thị trường trong nước vẫn chưa bị tác động nhiều, nhưng một vài doanh nghiệp đã phải chịu hậu quả liên đới từ sự kiện động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC cho biết, một lô hàng nhập khẩu của Công ty bị tắc ở cảng Nhật Bản, nhưng giá trị nhỏ nên ảnh hưởng không nhiều đến Công ty. Về thị trường chung, các nhà sản xuất thép lớn ở châu Á đang hy vọng rằng, do nhà máy thép Nhật Bản tạm dừng hoạt động khiến nguồn cung giảm xuống, giá thép ở thị trường châu Á có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, theo ông Anh, khả năng tăng giá nhiều là khó, vì trước đó thị trường thép châu Á đã có hiện tượng thừa cung, tiêu thụ chậm.

 Thủy sản có lẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ vụ động đất tại Nhật Bản khi hoạt động xuất khẩu có thể bị gián đoạn một thời gian do cảng ngừng hoạt động. Ông Nguyễn Văn Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản số 4 (TS4) cho biết, thị trường Nhật Bản chỉ chiếm 10% doanh số của Công ty và cho đến nay chưa có thông tin nào về việc đối tác ngừng nhập hàng. Trên thực tế, EU, Nhật Bản, Mỹ là những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Với kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản lên tới gần 1 tỷ USD/năm, nguy cơ gián đoạn xuất khẩu ngành hàng này sang thị trường Nhật chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó ngành tôm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu.

 Một e ngại khác về tác động của của cơn địa chấn tại Nhật Bản đối với nền kinh tế Việt Nam là những tác động của dòng vốn ODA giải ngân thực tế trong tổng số vốn cam kết. Năm 2011, Nhật Bản cam kết tài trợ song phương 1,76 tỷ USD trong tổng số 7,9 tỷ USD cam kết. Chưa kể, tính đến cuối năm 2010, Nhật Bản là quốc gia đầu tư vốn FDI vào Việt Nam lớn thứ 4, với tổng số vốn lên tới 20,8 tỷ USD (số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Nếu dòng vốn đầu tư của Nhật Bản không diễn ra như kế hoạch ban đầu, thì rõ ràng, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp phải khó khăn khi lập kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính hiện tại.

InfoTV
(Theo ĐTCK)