Sự chuyển hướng của khối ngoại

Theo ĐTCK

Theo báo cáo của hai quỹ đầu tư thuộc tầm cỡ lớn nhất Việt Nam hiện nay, tỷ lệ tiền mặt hiện ở mức rất thấp.

 

Số dư tiền gửi tính đến cuối tháng 9/2009 trên tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) theo số liệu mà Báo ĐTCK ghi nhận được vào khoảng 1 tỷ USD. Những diễn biến nhanh chóng trên TTCK thế giới cũng như trong nước đã làm chuyển biến "khẩu vị" của NĐTNN: chuyển dần sang mua và nắm giữ danh mục có tính thanh khoản cao.

 

 

 

Nhìn lại diễn biến giao dịch của NĐTNN trong 2 quý gần đây có thể thấy tính biến hóa rất cao: Tháng 7 - 8, họ mua ròng gần 30 phiên với giá trị tới hơn 3.000 tỷ đồng; cuối tháng 9, đầu tháng 10 bán ròng; hơn một tuần trở lại đây khối ngoại đã mua ròng trở lại với giá trị gần 1.000 tỷ đồng.

 

 

 

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết: "Trong thời gian gần đây, NĐTNN tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu. Nếu như cuối năm 2008, tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu là tương đương, thì 10 tháng trở lại đây khối ngoại tăng mua cổ phiếu hơn trái phiếu, tỷ trọng cổ phiếu chiếm ưu thế trên 80%".

 

 

 

Theo báo cáo của hai quỹ đầu tư thuộc tầm cỡ lớn nhất Việt Nam hiện nay, tỷ lệ tiền mặt hiện ở mức rất thấp.

 

 

 

Báo cáo tháng 9 của Quỹ VEIL, lớn nhất trong 4 quỹ do Dragon Capital quản lý, hiện lượng tiền mặt chỉ còn 5% NAV; cổ phiếu niêm yết chiếm 73% NAV; trái phiếu chiếm 2%; cổ phiếu OTC chỉ chiếm 3%. Quỹ VOF, quy mô lớn nhất của VinaCapital, có tỷ trọng tiền mặt và tài sản khác chiếm 12,8% NAV; trái phiếu chiếm 0,6%; chứng khoán niêm yết chiếm 35,6%; cổ phiếu OTC chiếm 14,9%.

 

 

 

Đề cập đến hoạt động của Dragon Capital trong thời điểm này, ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc Dragon Capital Hà Nội cho hay: "Các quỹ thuộc Dragon Capital liên tục cơ cấu lại danh mục, luân chuyển giữa các cổ phiếu và không nắm nhiều tiền mặt. Tính linh hoạt đã tăng hơn rất nhiều".

 

 

 

Trong tuần này, đại diện Dragon Capital cũng đã tham gia đoàn ngoại giao của Chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh, giới thiệu cơ hội đầu tư vào Việt Nam; triển vọng thu hút đầu tư theo ông Tuấn là khả quan hơn so với trước.

 

 

 

Diễn biến của dòng vốn gián tiếp nước ngoài sau quý I đã có sự khởi sắc. Thống kê thị trường cho thấy, dòng vốn đầu tư gián tiếp đã có dấu hiệu quay trở lại Việt Nam.

 

 

 

Trong khi quý I, dòng vốn có xu hướng ra nhiều hơn vào, thì quý II, dòng vốn đã thể hiện rõ xu thế đảo chiều, trong đó dòng vào tăng mạnh hơn.

 

 

 

Quý III, dòng vốn vào tiếp tục tăng và vượt so với quy mô dòng vốn vào trong quý II/2009 trên 20%, đạt 120 triệu USD.

 

 

 

Trong quý IV, nhìn nhận của cơ quan quản lý về vốn gián tiếp tiếp tục lạc quan hơn, mặc dù vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của nền kinh tế.

 

 

 

Đề cập đến dòng vốn ngoại cũng không thể không nhắc đến những hình thức đầu tư mới vào thị trường Việt Nam như P-Notes…

 

 

 

Trên thực tế, đây là sản phẩm chào bán ra công chúng đầu tư nước ngoài, được phát hành ở nước ngoài, bằng đồng tiền ở nước ngoài, do đó không dễ khi có ý kiến cho rằng, để ngăn ngừa mặt trái của hình thức đầu tư này, cơ quan quản lý Việt Nam cần ban hành giải pháp can thiệp.

 

 

 

Nhìn nhận một cách tích cực, thì dòng vốn gián tiếp dù dưới hình thức nào đều cần thiết cho TTCK Việt Nam và giúp gia tăng tính thanh khoản cũng như quy mô thị trường.

 

 

 

Tại các thị trường khu vực như Ấn Độ, lo ngại về P-Notes xuất hiện khi hình thức đầu tư này chiếm tỷ trọng quá lớn trong dòng vốn gián tiếp, với trên 70%.

 

 

 

Phản ứng được cho là hợp lý nhất của Việt Nam hiện nay trước những hình thức đầu tư mới của dòng vốn ngoại là tập trung nắm chắc thông tin qua chế độ báo cáo định kỳ của các tổ chức đầu tư trên thị trường để qua đó thấy được quy mô của các loại hình đầu tư và có phản ứng chính sách kịp thời.

 

 

 

Cơ chế của Việt Nam trong việc thu hút vốn gián tiếp nước ngoài được đánh giá là tương đối thông thoáng.

 

 

 

Theo UBCK, vốn ngoại vào Việt Nam chủ yếu thông qua các tổ chức nước ngoài, các định chế tài chính lớn. Do đó, vốn gián tiếp có chảy vào Việt Nam mạnh hay không phụ thuộc vào chính sự hấp dẫn của TTCK, bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế như tăng trưởng GDP, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

 

 

 

Trong nỗ lực của mình, cơ quan quản lý thị trường cao nhất là UBCK cũng đang phối hợp với các cơ quan hữu quan tìm kiếm các giải pháp nhằm thu hút dòng vốn gián tiếp, làm sao để dòng vốn này trở thành một trong những kênh tài chính quan trọng, hỗ trợ sự phát triển, củng cố tính thanh khoản của TTCK nói riêng, cũng như góp phần phát triển kinh tế nói chung.