Sứ mệnh của DATC

Đỗ Hải

(TCTC) Đẩy mạnh cải cách, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Chính phủ chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm qua nhằm đáp ứng những đòi hỏi đặt ra trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế đất nước. Trong quá trình thực hiện cải cách DNNN hàng loạt các vấn đề như xác định giá trị DN, cơ cấu, xử lý các khoản nợ đọng... trong cổ phần hóa đã khiến cho tiến trình đổi mới DNNN gặp nhiều khó khăn. Để hóa giải các vấn phức tạp, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC). Đến nay, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, DATC không những luôn hoàn thành sứ mệnh mà còn trở thành "bà đỡ" mát tay làm hồi sinh nhiều DN đứng bên bờ phá sản...


Hoàn thành sứ mệnh...

Theo ông Phạm Thanh Quang - Tổng giám đốc DATC: Nhiệm vụ trọng tâm nhất của DATC là tiếp nhận và xử lý tài sản tồn đọng; mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN nhằm mục tiêu lành mạnh hoá tình hình tài chính của các DN trong quá trình hội nhập và phát triển. Kể từ khi thành lập đến nay, DATC đã làm khá tốt việc tiếp nhận và xử lý dứt điểm các khoản nợ và tài sản tồn đọng (TSTĐ) loại trừ ra khỏi giá trị DN khi thực hiện chuyển đổi sở hữu. Qua hơn 5 năm hoạt động, DATC đã tiếp nhận hồ sơ để xử lý nợ, TSTĐ loại trừ ra khỏi giá trị DN cho hầu hết DNNN đã và đang chuyển đổi sở hữu. Tính đến hết năm 2008 DATC đã tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ của 2.215 DN trong cả nước; trong đó có 874 DN trung ương và 1.341 DN địa phương với tổng giá trị tiếp nhận là 2.802 tỷ đồng, trong đío 1.564 tỷ đồng là tài sản tồn đọng và 1.238 tỷ đồng nợ khó thu hồi. Riêng trong năm 2008 đã tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng loại trừ ra khỏi giá trị DN của 1.362 DN, trong tổng số 1.528 DN với giá trị thực tế thu hồi về cho nhà nước đạt 347 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DATC cũng đã và đang triển khai hàng chục phương án mua - bán, xử lý nợ theo hình thức thoả thuận để giúp cho hệ thống NHTM nhà nước, NHTM cổ phần và các chủ nợ khác cắt giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu. Đồng thời, thể hiện rõ vai trò là “bà đỡ” mát tay, gỡ khó cho hàng chục DN đang phải đối mặt với các khoản nợ xấu.

Giải pháp tổng thể được DATC thực hiện trong gỡ khó cho các DN là xóa một phần nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ để các DN này đủ điều kiện cổ phần hóa và tham gia với tư cách cổ đông chi phối từ phương thức chuyển nợ thành vốn góp. Sau khi chuyển đổi thành các công ty cổ phần, DATC phối hợp với nhà đầu tư chiến lược thực hiện các bước tái cấu trúc DN... Tình hình chung của các DN trước hoặc sau khi được xử lý nợ và tái cơ cấu tài chính là thiếu vốn hoạt động. Do đó, DATC đã phải thực hiện những giải pháp tình thế khẩn cấp để hỗ trợ DN, như tiếp tục cho vay vốn lưu động, đầu tư bảo dưỡng phục hồi, nâng cấp máy móc thiết bị, thậm chí kể cả cho vay vốn để giữ lại các tư liệu sản xuất chính... Nhìn chung, đa số các DN được tái cơ cấu và xử lý tài chính, chỉ trong một thời gian ngắn đã có những chuyển tích cực, lợi nhuận đạt khá tốt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, đóng thuế cho ngân sách địa phương, góp phần ổn định kinh tế chính trị - xã hội trên địa bàn DN hoạt động. Cụ thể, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi xử lý nợ và tái cơ cấu chuyển đổi DN, DATC đã giúp chuyển đổi hiệu quả cho hàng loạt DNNN thành công ty cổ phần như: Sadico Cần Thơ, Mía đường Sơn La, Mía đường Kon Tum, Nhà máy gạch Granite Thiên Thạch Nam Định, công ty cổ phần Intimex Nha Trang... Đây là nhóm DN gặp khó khăn rất lớn về tài chính, mất khả năng thanh toán, có số lũy kế lớn và âm vốn chủ sở hữu từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng... Không chỉ tham gia tái cơ cấu lại tình hình tài chính, cơ cấu tài sản, vốn và nợ, thực tế buộc Công ty phải tham gia sâu hơn trong quá trình tái cấu trúc lại bộ máy quản lý DN, định hình lại quy trình sản xuất, ổn định lại vùng nguyên liệu, duy trì, phát triển các yếu tố đầu vào, đầu ra và cả tâm lý người lao động...., qua đó thuyết phục các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt và tổ chức thực hiện tốt phương án chuyển đổi cho các DN này. Đến nay, kết quả kinh doanh của các DN trên đã chứng tỏ hiệu quả của hướng đi mới của Công ty, các DN đã được DATC tái cấu trúc đều đã có nhiều tín hiệu vui, hoạt động kinh doanh có lãi, đã trả hết nợ ngân sách, nợ bảo hiểm xã hội, trả gần hết nợ cho DATC, đặc biệt một số đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn khoảng 30%.

Mặc dù hoạt động kinh doanh của DATC có đặc thù là luôn gắn liền với các nhiệm vụ chính trị - xã hội nhưng công ty luôn phấn đấu đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo toàn và phát triển vốn, đóng góp NSNN... Từ khi hoạt động đến nay, các chỉ tiêu tài chính của DATC luôn tăng trưởng tốt, lãi thu được năm sau luôn cao hơn năm trước, đóng góp cho NSNN ngày càng tăng. Cùng với đó, việc bảo toàn và phát triển vốn cũng luôn được Ban lãnh đạo doanh DATC quan tâm đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển, kinh doanh của mình. Tính đến hết năm 2008 tổng vốn nhà nước tại DATC đạt 2.237 tỷ đồng. Như vậy, ngoài số vốn điều lệ 2000 tỷ đồng được NSNN cấp, vốn nhà nước của Công ty đã được phát triển, bổ sung thêm 237 tỷ đồng từ lợi nhuận...

Bước sang năm 2009, mặc dù nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng cải cách DNNN mà trọng tâm là cổ phần hoá DN vẫn nhiệm vụ được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ trên, ngay từ những ngày đầu năm 2009 DATC đã chủ động hợp tác với các tổng công ty để lành mạnh hoá tài chính các DN thành viên. Đặc biệt, mới đây DATC đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC) nhằm cường hợp tác, phối hợp trong việc bán đấu giá cổ phần, niêm yết trái phiếu, niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu của các đơn vị thành viên của DATC tại HASTC. Các đơn vị thành viên của DATC chủ yếu là các DN đã và đang được DATC tái cơ cấu thông qua hoạt động mua bán nợ. Từ những DN nhà nước làm ăn thua lỗ, mất hết vốn chủ sở hữu nhà nước, không đủ điều kiện cổ phần hóa, các DN này đã được DATC tái cơ cấu, chuyển đổi thành các công ty cổ phần. Với việc tái cơ cấu một cách toàn diện cả về tài chính, về hình thức và cơ cấu sở hữu, về quản trị và điều hành, về tổ chức sản xuất kinh doanh..., các DN được DATC tái cơ cấu đã có tình hình tài chính lành mạnh, kinh doanh có hiệu quả và triển vọng phát triển tốt. Từ năm 2007 đến nay, đã có 11 DN được DATC tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu, trong đó 9 DN đã đủ điều kiện để niêm yết với số vốn điều lệ từ 30 - 50 tỷ đồng. Hiện nay, hơn 50 DN khác đang được DATC triển khai thực hiện tái cơ cấu thông qua hoạt động mua bán nợ. Việc niêm yết cổ phiếu của các DN này là bước cuối cùng của quá trình tái cơ cấu DN thông qua hoạt động mua bán được thực hiện bởi DATC. Thông qua việc niêm yết, các nhà đầu tư từ bên ngoài có cơ hội đầu tư vốn và tham gia vào việc quản lý ở các DN đã được DATC tái cơ cấu, từ đó giúp cho các DN này phát triển bền vững và tiếp tục hoạt động có hiệu quả cao hơn. Đây là một động thái quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác chặt chẽ, lâu dài nhằm đẩy nhanh tiến trình niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động kinh doanh ở các DN được DATC tái cơ cấu. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa nguồn hàng có chất lượng cho sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung trong thời gian tới.

Nhìn lại sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, DATC đã thực hiện theo đúng định hướng thành lập là xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản cần dùng,...góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính DN, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi DNNN. Thông qua hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN, DATC không những đảm bảo tốt mục tiêu hoạt động mà còn đóng góp tích cực đối với các chương trình kinh tế xã hội lớn của Đảng, Chính phủ về cải cách sắp xếp DNNN; nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phát triển kinh tế xã hội các vùng còn khó khăn...

 

Còn nhiều vướng mắc...cần tháo gỡ

Mặc dù hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN đem lại hiệu quả kinh tế, chính trị xã hội đối với nền kinh tế những quá trình triển khai đang gặp không ít khó khăn làm hạn chế kết quả so với yêu cầu của nền kinh tế. Bởi mua - bán nợ, tái cơ cấu để chuyển đổi sở hữu cho các DN mà DATC thực hiện là một mô hình mới tại Việt Nam nên vẫn còn thiếu  khuôn khổ pháp lý đủ mạnh và rõ ràng cho hoạt động nghiệp vụ của công ty như thông lệ quốc tế. Đặc biệt, hoạt động tái cơ cấu DN đòi hỏi phải xử lý tồn tại tài chính thông qua miễn giảm nợ đọng, xử lý âm vốn chủ sở hữu để DN đủ điều kiện chuyển đổi cũng như cần có những biện pháp hỗ trợ tài chính chuyển nợ thành góp vốn, bảo lãnh vay vốn hoặc cho vay ngắn hạn đẻ DN có vốn hoạt động trong giai đoạn tái cơ cấu. Các hoạt động này phù hợp với luật pháp Việt Nam, thông lệ quốc tế và là nghiệp vụ không thể thiếu trong việc xử lý nợ và tái cơ cấu DN. Bên cạnh đó, quy định về cổ phần hóa yêu cầu tính giá trị lợi thế vị trí địa lý vào DN gây ảnh hưởng đến tiến độ tái cơ cấu để chuyển đổi sở hữu đối với một số DNNN trên một số địa bàn. Việc mua bán các khoản nợ tồn đọng của Ngân hàng phát triển Việt Nam phải trải qua nhiều tủ tục hành chính nên thời gian thực hiện rất dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các phương án tái cơ cấu DN... Hơn nữa, nhận thức về hoạt động xử lý nợ tồn đọng của DATC cũng rất khác nhau, nhiều khi trái ngược về mặt quan điểm giải quyết vấn đề. Điển hình nhất là những bất cập về việc: phối hợp triển khai mua - bán, xử lý nợ và TSTĐ giữa các bên có liên quan; thực hiện giải pháp giãn nợ, giảm nợ hay xoá nợ tồn đọng để lành mạnh tình hình tài chính cho DN; các biện pháp hỗ trợ về tài chính để giúp củng cố lại hoạt động cho DN…

Để tạo thuận lợi cho DATC thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó và đóng góp tích cực vào tiến trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu các DNNN cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua bán và xử lý nợ. Tạo điều kiện để DATC tự chủ kinh doanh phù hợp các quy định của Luật DN nhà nước và pháp luật hiện hành, đặc biệt là các quyền liên quan đế xử lý các vấn đề đặc thù khi mua nợ, thực hiện tái cơ cấu DN. Đối với các DNNN thuộc diện phá sản nếu có phương án khả thi thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi sở hữu thông qua hoạt động mua bán nợ cần có cơ chế để các bộ, ngành, địa phương được quyết định giao DN cho DATC thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi sở hữu...

Nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do những tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mang đến. Do đó, tình trạng nhiều DN có nguy cơ phá sản, tình hình nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng có xu hướng tăng lên. Trong bối cảnh đó, để thực sự trở thành công cụ tài chính hữu hiệu góp phần giúp Chính phủ đối phó với nguy cơ khủng hoảng, lành mạnh tình hình tài chính DN, và đẩy nhanh tiến trình sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu DN Nhà nước, là nhiệm vụ rất nặng nề đối với DATC trong năm 2009 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của các Bộ, ngành ở Trung ương trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của DATC, sự hợp tác tích cực từ các DN, sự đoàn kết thống nhất và nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên trong toàn Công ty, Công ty sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.