Tăng giá điện: Giải pháp lâu dài

Theo Báo Công Thương

Mức tăng giá điện năm 2011 đã được phê duyệt ở mức 15,28% theo Quyết định 269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu tăng giá điện của Chính phủ lần này là đưa giá điện tiệm cận dần với giá thị trường, giúp ngành điện huy động đủ vốn cho nhu cầu đầu tư các công trình điện mới, góp phần kiềm chế lạm phát, giúp các doanh nghiệp trụ vững được trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, khuyến khích các hộ tiêu thụ điện đổi mới công nghệ, sử dụng điện tiết kiệm.

Tăng giá điện trên cơ sở giảm thiểu tối đa chi phí và lợi nhuận

Mục tiêu tăng giá điện của Chính phủ lần này là đưa giá điện tiệm cận dần với giá thị trường, giúp ngành điện huy động đủ vốn cho nhu cầu đầu tư các công trình điện mới, góp phần kiềm chế lạm phát, giúp các doanh nghiệp trụ vững được trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, khuyến khích các hộ tiêu thụ điện đổi mới công nghệ, sử dụng điện tiết kiệm.

Thực tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và EVN đã đề xuất rất nhiều phương án khác nhau, tuy nhiên, Chính phủ chọn phương án tăng 15,28% với tiêu chí giảm thiểu các chi phí và lợi nhuận để có tỷ lệ tăng giá ở mức hợp lý trên cơ sở cân đối chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân, phù hợp với lộ trình theo cơ chế thị trường nhằm thu hút đầu tư vào ngành điện, hạn chế tình trạng thiếu điện.

Trong phương án được tính toán bao gồm các điều kiện: đã phân bổ 240 tỷ đồng của chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2010 trở về trước vào giá điện năm 2011. Giá than bán cho sản xuất điện chưa tăng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước của các khâu phát điện, truyền tải, phân phối chỉ đạt 1%; hàng loạt chi phí lỗ từ các năm trước chưa phân bổ vào giá điện 2011 như chi phí tăng thêm của năm 2010 do phát điện giá cao, chi phí mua điện của Nhiệt điện Cà Mau năm 2008-2009; chưa trích khấu hao các nhà máy thủy điện Hòa Bình và Trị An, chưa thu phí dịch vụ môi trường rừng với các nhà máy thủy điện năm 2011…

Theo các chuyên gia, nếu tính đúng, tính đủ theo đề xuất của EVN thì giá có thể tăng tới 30% hoặc 40%. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện không thể chỉ căn cứ vào việc thiếu vốn đầu tư do lỗ của EVN mà phải được nghiên cứu, cân nhắc trên cơ sở đảm bảo lợi ích của tất cả các khâu: sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Thực tế, với giá bán điện bình quân tăng 15,28% thì năm 2011 EVN vẫn tiếp tục chịu lỗ thêm 3.366 tỷ đồng (chưa kể 671 tỷ đồng EVN sẽ chuyển sang Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo), đưa tổng mức nợ treo lại sau khi tăng giá điện lên 41.851 tỷ đồng,

Chỉ hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp


Theo Quyết định 269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, biểu giá điện bậc thang cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 7 bậc, với bậc thang đầu tiên (từ 0 - 50 kWh) có giá ở mức tương đương giá bán điện bình quân được duyệt, giá điện cho bậc thang thứ 2 (từ 0 - 100 kWh) ở mức bằng giá bán điện bình quân được duyệt, giá điện cho các bậc thang tiếp theo tăng dần. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tính toán giá bán điện chi tiết cho các đối tượng khách hàng và hướng dẫn thực hiện; riêng giá điện cho bậc thang đầu tiên của năm 2011 có giá ở mức tương đương 80% giá bán điện bình quân được duyệt do năm 2011 ngành điện vẫn còn lỗ.

Khác với những năm trước, giá điện bậc thang đầu tiên trong biểu giá điện sinh hoạt chỉ áp dụng cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp (là các hộ thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng) nhằm đảm bảo tính an sinh xã hội, giúp người nghèo bớt khó khăn. Các hộ thu nhập thấp phải đăng ký sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng theo hướng dẫn của bên bán điện. Nếu trong 3 tháng liên tiếp, tổng lượng điện sử dụng của hộ đó vượt quá 150 kWh thì bên bán điện sẽ tự động chuyển sang mức giá điện của bậc thang thứ hai và các bậc tiếp theo. Các hộ sử dụng điện sinh hoạt khác áp dụng biểu giá từ bậc thang thứ hai và các bậc tiếp theo. Riêng các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng quy định sẽ được hỗ trợ giá điện cho 50kWh/tháng với mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng. Kinh phí hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo lấy từ tiền bán điện. Việc chi trả tiền bù cho hộ nghèo hàng năm do các đơn vị thực hiện chính sách xã hội chịu trách nhiệm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Với giá điện tăng mới, thì tổng số tiền điện tăng thêm do tăng giá điện khoảng 19.000 tỷ đồng, bằng 0,87% GDP dự kiến năm 2011. Tăng giá điện là tăng trực tiếp CPI khoảng 0,54%-0,72%; tổng số tiền điện tăng thêm đối với các ngành sản xuất khoảng 9.600 tỷ, làm giá thành các ngành sản xuất tăng từ 0,02-9,03%. Trong đó, tác động của tăng giá điện đến khối hành chính sự nghiệp khoảng 832 tỷ đồng, bằng 0,8% tổng chi tiêu của Nhà nước năm 2011.

Đối với hộ tiêu thụ điện dưới 50kWh/tháng, tiền điện phải trả không tăng; hộ có thu nhập trung bình tiêu thụ 100kWh/tháng trở xuống, tiền điện tăng thêm do tăng giá điện khoảng 21.400 đồng/tháng. Đối với hộ tiêu thụ điện đến 200kWh/tháng sẽ phải trả tăng thêm tối đa khoảng 55.700 đồng/tháng. Đối với hộ thu nhập cao (tiêu thụ đến 400 kWh/tháng), tiền điện phải trả tăng thêm là 97.000 - 140.000 đồng/tháng.

Khung giá cho điện sinh hoạt tại các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia gồm giá trần và giá sàn, trong đó giá sàn bằng 1,5 lần giá bán điện bình quân cơ sở năm, giá trần bằng 2,5 lần giá bán điện bình quân năm.

Riêng nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn (sinh viên, người thuê nhà) sẽ tiến hành thí điểm áp dụng giá điện trả trước sử dụng thẻ.

Chống lợi dụng tăng giá bất hợp lý

Một trong những vấn đề lo ngại nhất của người tiêu dùng không phải ở giá điện tăng lên mà là hiệu ứng dây chuyền của việc tăng giá điện. Hiện nay đã có nhiều mặt hàng đang rục rịch tăng giá, trong đó không loại trừ những doanh nghiệp “té nước theo mưa”, lợi dụng để tăng giá vượt quá mức tăng chi phí do ảnh hưởng của tăng giá điện. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát những biến động do ảnh hưởng của tăng giá ở cả 2 khu vực sản xuất và tiêu dùng. Nếu có những ảnh hưởng lớn sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp điều chỉnh; Công tác quản lý thị trường sẽ được đẩy mạnh để hạn chế tiêu cực, tránh tình trạng các đơn vị lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng đề án điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó có than, điện, xăng dầu nhằm đảm bảo giá hợp lý. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề điều chỉnh giá, tránh những hiệu ứng tăng giá về tâm lý.

Tăng giá điện là giải pháp lâu dài

Có rất nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề tăng giá điện liệu có giải quyết được tình trạng thiếu điện hay không? Theo nhiều chuyên gia, tình trạng thiếu điện mấy năm qua là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ chế giá điện và kêu gọi đầu tư, sự chậm tiến độ của các dự án điện. Việc tăng giá điện một phần giúp EVN giải quyết bớt những căng thẳng về tài chính, một phần là để thu hút đầu tư, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Vì vậy, tăng giá điện là giải pháp lâu dài chứ không phải là giải pháp duy nhất và cũng không thể lập tức giải quyết được tình trạng thiếu điện ngay trong năm nay. Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn, EVN đẩy mạnh cải tạo hệ thống lưới điện; tăng cường các giải pháp quản lý để cải thiện cung cách làm việc, tăng năng suất lao động và chất lượng dịch vụ, nhất là trong cách ứng xử với khách hàng để nâng cao chất lượng phục vụ. Bộ cũng yêu cầu các Sở Công Thương tích cực phối hợp với ngành điện trong việc tuyên truyền sử dụng điện hợp lý và tiết kiệm. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật theo hướng tiết kiệm năng lượng, bố trí sản xuất linh hoạt và hợp lý hơn, các hộ dân nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả để cùng nhau chia sẻ và vượt qua giai đoạn khó khăn này.