“Tăng trưởng thị trường trái phiếu Việt Nam đứng đầu Đông Á”

Theo VnEconomy

Trong quý 2/2012, thị trường trái phiếu Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Á với mức tăng 10,5% so với quý 1/2012, theo Báo cáo theo dõi trái phiếu châu Á (ABM) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố.

“Tăng trưởng thị trường trái phiếu Việt Nam đứng đầu Đông Á”

ABM được phát hành hàng quý đánh giá các thị trường trái phiếu của Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippine, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Theo tính toán của ADB, thị trường trái phiếu Việt Nam vào thời điểm cuối tháng 6/2012 có tổng giá trị trái phiếu phải thu đạt 455,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 21,8 tỷ USD), tăng 10,5% so với thời điểm cuối tháng 3/2012 và tăng 28,5% so với thời điểm tháng 6/2011.

Tăng trưởng của thị trường Việt Nam là do giá trị trái phiếu kho bạc phải thu tăng 42% và việc tái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tháng 3/2012”, nhận xét từ báo cáo ABM.

Ngoài ra, ABM cũng thông tin thêm hoạt động tăng cường phát hành trái phiếu của chính phủ trong quý 1/2012 và 2/2012 được thực hiện trong bối cảnh lượng phát hành của ba tháng cuối năm 2011 giảm mạnh do Chính phủ cắt giảm đầu tư công, nâng lãi suất và thực hiện cấc biện pháp khác nhằm kiềm chế lạm phát cao.

Sau Việt Nam, Thái Lan và Indonesia là những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao trong quý 2/2012 với mức tăng lần lượt là 4,1% và 3,6% so với quý 1/2012.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc chỉ tăng 1,5% nhưng vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất trong các nền kinh tế Đông Á mới nổi với giá trị trái phiếu phải thu đạt 3,5 nghìn tỷ USD, tính tới thời điểm cuối tháng 6/2012.

Trong báo cáo quý 2/2012, ABM đánh giá dù có những bất ổn và biến động tại các thị trường tài chính toàn cầu, các thị trường trái phiếu trong khu vực vẫn tiếp tục phát triển, đạt tổng giá trị 5,9 nghìn tỷ USD nợ phải thu tính đến thời điểm cuối tháng 6/2012, tăng 1,9% so với thời điểm cuối tháng 3/2012 và tăng 8,6% so với thời điểm cuối tháng 6/2011.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần chuẩn bị ứng phó với những cú sốc và bất ổn tiếp theo từ các thị trường tài chính toàn cầu, khuyến cáo từ ADB.