Thách thức trong kinh doanh bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt

Theo ĐTCK

Thị trường bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt (BHHH&RRĐB) trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều bất cập khiến hoạt động kinh doanh dịch vụ này chưa có lãi.

 

Theo số liệu, từ năm 2002 đến 2006 cả nước đã xảy ra 11.795 vụ cháy, thiệt hại ước tính 1.710 tỷ đồng. Năm 2009 đã xảy ra 1.948 vụ cháy. Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong quý I/2010, cả nước đã xảy ra 511 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân và 40 vụ cháy rừng, làm chết 11 người, bị thương 45 người, thiệt hại về tài sản ước tính trị giá 297,529 tỷ đồng và 801 héc-ta rừng. Các vụ cháy vẫn tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp như Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) cho biết: Nhu cầu BHHH&RRĐB ngày một tăng theo đà tăng trưởng của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư tư nhân. Đặc biệt, từ khi Luật phòng cháy chữa cháy (số 27/2001/QH10) và Nghị định 130/2006/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc có hiệu lực thi hành đã có tác động nhất định đối với ý thức phòng cháy chữa cháy và tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của người dân và các tổ chức.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn ngày một tăng xuất phát từ việc các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ đa số thuê lại mặt bằng chủ yếu là các kho trước đây để sản xuất hoặc các cơ sở mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng thiếu diện tích mặt bằng xây dựng nên lắp đặt máy móc thiết bị với mật độ quá dày, nguyên liệu bán thành phẩm không có chỗ chứa thường được để chung trong xưởng sản xuất, hệ thống máy móc thiết bị quá cũ kỹ lạc hậu, hệ thống đường dây điện cũ kỹ không chịu được áp lực quá tải.

Bên cạnh đó, rủi ro từ thiên tai như giông tố, bão lụt, lũ… cũng xảy ra ngày càng nhiều và mức độ gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Việt Nam được xếp vào diện một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu nặng nề nhất thế giới.

Như vậy, có thể nói tiềm năng cho hoạt động kinh doanh BHHH&RRĐB là rất lớn. Theo số liệu của AIV, nếu năm 2005 doanh thu đối với BHHH&RRĐB mới đạt 5.678 tỷ đồng thì đến năm 2009 con số này đã là 13.641 tỷ đồng. Tuy nhiên, bắt đầu có dấu hiệu, nhiều DN bảo hiểm không có lãi trong kinh doanh nghiệp vụ này: năm 2008 có 16 DN bảo hiểm cung cấp dịch vụ này thì có tới 5 DN lỗ là: AAA, Bảo Tín, Groupama, Liberty và ACE. Năm 2009, mặc dù nhiều DN tăng đầu tư vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm song vẫn còn 4/16 DN bị lỗ là: Liberty, Groupama, Fubon và MSIG.

Ông Trần Thanh Tú, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm, Cục quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, việc triển khai bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hiện còn nhiều hạn chế. Số lượng cơ sở tham gia hiện vẫn rất ít ỏi, công tác phối hợp giữa DN bảo hiểm và cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chưa thực sự chặt chẽ, công tác đề phòng hạn chế tổn thất cháy, nổ chưa được chú trọng đúng mức.

Các DN bảo hiểm cạnh tranh ngày càng gay gắt đi liền với phát triển nóng, chiếm lĩnh thị trường thị phần. Các hành vi cạnh tranh phổ biến như: hạ phí bảo hiểm; mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm; thậm chí lấn sân sang cả phạm vi bảo hiểm của loại sản phẩm bảo hiểm khác; gộp nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ở các địa phương khác nhau của một công ty thành một đối tượng bảo hiểm để đạt giá trị trên 30 triệu USD nhằm không áp dụng biểu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; tính phí bảo hiểm mọi rủi ro hoặc bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt tương đương với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có rủi ro thuộc phạm vi mở rộng coi như không có phí bảo hiểm).

Hiện nay, 100% DN bảo hiểm, chi nhánh công ty thành viên đều tham gia bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt. Đây là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt vì khai thác mỗi một đối tượng bảo hiểm thường mang lại mức phí bảo hiểm cao. Để giành giật khách hàng, hạ phí bảo hiểm là chiêu thức mà phần lớn các DN áp dụng để cạnh tranh.

Theo AVI, để khắc phục tồn tại và phát triển thị trường một cách lành mạnh, về quản lý Nhà nước, cần sửa đổi Luật phòng cháy chữa cháy (điều khoản về thiệt hại về người và đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc). Về cơ chế chính sách, cần sửa đổi quy định về tỷ lệ 5% kinh phí phòng cháy chữa cháy phải nộp và tỷ lệ giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm (không tính phần phí tái bảo hiểm) phù hợp hơn với thực tế. Bên cạnh đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp cần được cấp kinh phí để mua bảo hiểm và quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đứng đầu nếu không mua bảo hiểm. Cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và xử lý trục lợi bảo hiểm.

Ngoài ra, cần sửa đổi quy tắc điều khoản bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phù hợp với Quy tắc điều khoản bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro đặc biệt để thuận tiện cho việc mở rộng rủi ro bảo hiểm ngoài rủi ro cháy nổ bắt buộc và thuận lợi cho tái bảo hiểm.