Thận trọng với chứng khoán áp Tết

Theo Hoàng Anh (Đất Việt)

Thời điểm cuối năm âm lịch, một số nhà đầu tư cá nhân muốn nghỉ ngơi, trong khi giá nhiều mặt hàng thường tăng cao khiến không ít người quan ngại về khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản để kìm chế lạm phát.

 Theo Công ty Chứng khoán VIS, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2010 cùng với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết năm 2009 sẽ tiếp tục là bệ đỡ tâm lý cho thị trường trong thời gian tới. NĐT nên theo dõi diễn biến của khối lượng, nếu khối lượng tăng mạnh thì nhiều khả năng xu hướng điều chỉnh sẽ đến hồi kết.

Quan điểm của Công ty Chứng khoán Dầu khí cũng nghiêng về thận trọng khi cho rằng, căn cứ theo biến động cung cầu, có thể thấy áp lực bán của thị trường đang giảm đáng kể so với giai đoạn giảm kéo dài 4 ngày.

Tuy vậy, bên mua cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa tích cực tham gia thị trường tại các mức giá cao. Động thái này khiến thị trường trong ngắn hạn tiếp tục giảm điểm. Mặc dù vậy, sau 4 phiên giao dịch, thị trường đang tạo mặt bằng giá mới cho tín hiệu tích cực về sự hình thành “sóng” tăng trung hạn.

Theo phân tích của một số công ty chứng khoán, khả năng hình thành xu thế tăng đang lớn hơn, nhưng NĐT theo xu thế vẫn cần duy trì sự thận trọng trước khi VN-Index thật sự xác lập xu thế. Đối với NĐT theo hình thức T+, có thể căn cứ vào mức nâng đỡ của thị trường như tại 485 điểm để mua vào.
 
Đặc biệt, ở thời điểm nhạy cảm hiện nay, NĐT cá nhân cần hết sức cảnh giác trước các mã cổ phiếu có dấu hiệu làm giá để đẩy hàng. Biểu hiện của việc đẩy giá có thể nhận biết qua diễn biến giá được đẩy tăng cao với khối lượng mua áp đảo ngay từ đầu phiên giao dịch để tạo mức cầu lớn, dư mua ở mức giá tăng đột biến so với khối lượng khớp thông thường. Khối lượng giao dịch thành công trong các phiên đẩy giá rất thấp. Tùy theo mục đích của nhóm đầu cơ, giá có thể được đẩy lên liên tục: ba ngày, một tuần, thậm chí vài tuần.

Đi ngược lại xu hướng chung của thị trường chứng khoán thế giới, hai chỉ số chứng khoán Việt Nam đồng loạt quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Đóng cửa, VN-Index chốt ở mức 505,42 điểm, giảm 15,48 điểm (-2.97%), HNX-Index rớt xuống mức 171,37 điểm, giảm 8,39 điểm (-4.67%) so với một tuần trước đó.

Song song với sự đi xuống của các chỉ số chứng khoán, quy mô giao dịch trong tuần cũng giảm mạnh. Tại HOSE, bình quân một phiên chỉ có 45,1 triệu đơn vị và 1.982 tỷ đồng chứng khoán được chuyển nhượng, giảm 34,1% về lượng và 36,2% về giá trị so với tuần trước.