Thắt chặt tín dụng bất động sản và những dự báo

Ánh Ngọc

Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước mới đây đang làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều về mức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với thị trường trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khả năng thắt chặt tín dụng

Theo thống kê, những năm gần đây, dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục tăng, cụ thể: năm 2012 là 14%, năm 2013 là 14,7%, năm 2014 đạt 15,2% và năm 2015 đạt khoảng 18%. Hiện nay, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản vào khoảng 360.000 tỷ đồng, tăng khoảng 80% so với con số cách đây 3 năm (năm 2012) khoảng 197.000 tỷ đồng.

Để giảm thiểu việc tập trung vốn cho vay bất động sản và kiểm soát rủi ro đối với cho vay lĩnh vực này, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra dự thảo sửa đổi khoản 5 điều 17 Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Dự thảo thu hút sự quan tâm của dư luận ở hai vấn đề chính: thứ nhất, thay đổi hệ số rủi ro của “các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” từ 150% lên 250%; thứ hai của dự thảo là tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn được điều chỉnh từ 60% xuống 40%.

Những sửa đổi này khiến các công ty bất động sản lo ngại sẽ làm cho chi phí vốn trong kinh doanh bất động sản tăng cao hơn, việc đầu tư cũng sẽ phải cân nhắc hơn. Còn người mua thì lo ngại khó tiếp cận tín dụng hơn, từ đó sẽ giảm nhu cầu mua nhà kể cả mua đầu tư hay mua để ở.

Tuy nhiên, ôngTrịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC lại cho rằng, dự thảo Thông tư 36 sửa đổi không phải là sức ép quá lớn và việc điều chỉnh tỷ lệ rủi ro đối với các khoản phải thu liên quan đến bất động sản là chính sách phù hợp nhằm điều tiết thị trường. Như vậy, dòng tiền bất động sản sẽ được định hướng lựa chọn vào những dự án tốt hơn, người dân sẽ cân nhắc kỹ hơn các quyết định đầu tư. Những thay đổi này sẽ mở ra cơ hội cho nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp, tránh tình trạng các nhà phát triển bất động sản yếu kém phát triển tràn lan các dự án không có tính khả thi.

Dự báo triển vọng

Những lạc quan trên về ảnh hưởng của dự thảo Thông tư 36 sửa đổi nếu được áp dụng là lý do để ôngTrịnh Văn Quyết dự báo, năm 2016 sẽ là một năm bước ngoặt của thị trường bất động sản với sự phân hạng rõ ràng. Thêm vào đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm năm 2016, đây là tiền đề quan trọng góp phần tăng khả năng chi trả cho nhu cầu về bất động sản của người dân và giúp thị trường bất động sản duy trì được đà sôi động.

Theo báo cáo về xu hướng và triển vọng củathị trường bất động sản Việt Namcủa CBRE Việt Nam, trong thời gian tới, hoạt động cho thuê bất động sản tiếp tục đà tăng trưởng với tốc độ tăng giá và tỷ lệ lấp đầy ổn định, xuyên suốt các phân khúc; các sản phẩm nhà ở và thương mại cũng tiếp tục chứng minh sự phục hồi tích cực.

Đồng thời, nhiều yếu tố đang tác động tích cực đến thị trường bất động sản Việt Nam đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do vừa ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam tiếp tục thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư nước ngoài, kéo theo nhu cầu bất động sản, bao gồm bất động sản khu công nghiệp, nhà ở và nghỉ dưỡng tăng cao. Thêm vào đó là những quy định tron g hành lang pháp lý thông thoáng hơn… thì sức cầu trên thị trường bất động sản của nhóm này tăng lên là điều có thể dự báo.

Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài, CBRE cho rằng, Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch trong việc phê duyệt các dự án của các cấp thẩm quyền. Bên cạnh đó, để tận dụng được các cơ hội mà hội nhập mang lại, các nhà đầu tư bất động sản cũng nên tìm hiểu mục tiêu và các hướng đầu tư của các khách hàng để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.