Thị phần môi giới chứng khoán: Trật tự "đảo chiều"

Theo Giang Thanh (ĐTCK)

Tháng 9, giá trị giao dịch trên HOSE vượt quá 3.500 tỷ đồng/phiên. Cùng với việc khối lượng cổ phiếu được sang tên với tốc độ chóng mặt, doanh thu từ hoạt động môi giới tại các công ty chứng khoán đang ở thời kỳ hoàng kim.

Tuy nhiên, nếu mảng môi giới cho nhà đầu tư nước ngoài, các cựu binh vẫn hoàn toàn chiếm ưu thế thì bức tranh về thị phần môi giới trong nước tháng 8 đã được vẽ lại bởi các công ty chứng khoán năng động…

Trong nước: Vòng nguyệt quế cho người năng động

Tổng kết tháng 8/2009, trên HOSE, vị trí dẫn đầu thị phần môi giới (tính theo giá trị môi giới giao dịch cổ phiếu) giữa các công ty chứng khoán đã có sự đổi ngôi. Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC) vươn lên dẫn đầu toàn thị trường mảng môi giới cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước.

Sự thăng tiến nhanh chóng của TSC quả là rất đáng nể, bởi lẽ, cuối quý 1/2009, Công ty mới chỉ đứng vị trí thứ 9, chiếm 3,53% thị phần môi giới cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước. Hiện tại, TSC mới thu hút hơn 18.000 tài khoản - vị trí thứ 14 trong số các công ty chứng khoán.

Bất chấp con số khá khiêm tốn này, TSC tỏ ra là công ty chứng khoán triển khai hoạt động tư vấn môi giới hiệu quả nhất! Vị trí thứ 2 và thứ 3 trong tháng 8, lần lượt thuộc về Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) và Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Vị trí kế tiếp do một tên tuổi trẻ trung nắm giữ: Công ty Chứng khoán KimEng (KEVS) - mới đi vào hoạt động đúng 1 năm rưỡi! Đứng thứ 5 là công ty chứng khoán Chứng khoán Tp. HCM (HSC).

Có hai lý do giải thích cho việc bức tranh thị phần môi giới đang được vẽ lại giữa các công ty chứng khoán, trong đó đáng chú ý là sự tiến bộ của một số công ty chứng khoán như TSC, SBS, KEVS…

Thứ nhất, đó là sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động môi giới tại nhiều công ty chứng khoán bằng cách nâng hoạt động môi giới theo hướng gần với mô hình của các thị trường chứng khoán phát triển.

Thứ hai, nhiều công ty chứng khoán có ưu thế về nguồn vốn do sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các ngân hàng mẹ. Các công ty chứng khoán này có khả năng cung cấp nhiều gói dịch vụ linh hoạt giúp nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, gia tăng cơ hội tạo ra lợi nhuận “kép” lúc thị trường chứng khoán đi lên.

Trong khi đó, tại nhiều công ty chứng khoán gạo cội như Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) và Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) - là nhóm công ty chứng khoán thu hút được số tài khoản nhiều nhất thị trường, có thể do cơ chế hoạt động hoặc nguyên tắc thận trọng nên các công ty chứng khoán này đang tụt dần xuống phía sau của bảng xếp hạng.

Top 10 cũng xuất hiện hai gương mặt mới đi vào hoạt động 2 năm qua là Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) và Công ty Chứng khoán Tràng An (TAS)…

Nước ngoài: Gương mặt các cựu binh

Nếu như sức trẻ đang phần nào lấn lướt ở mảng môi giới trong nước, thì ở mảng môi giới nước ngoài, các gương mặt cựu binh hoàn toàn chiếm ưu thế. Tính đến cuối tháng 8, SSI vẫn dẫn đầu (28,5% thị phần). Đây cũng là công ty chứng khoán thu hút được số tài khoản của khối nhà đầu tư nước ngoài đông đảo nhất hiện nay, chiếm 25% toàn thị trường.

Kế tiếp là HSC chiếm thị phần môi giới hơn 20%, với ưu thế là Công ty Chứng khoán thu hút được nhiều tổ chức nước ngoài. Theo thống kê nhanh từ HSC, trong tháng 9, công ty có thể vươn lên chiếm 33% thị phần môi giới cho khối ngoại (con số cụ thể chưa được công bố chính thức).

Hai vị trí kế tiếp lần lượt thuộc về hai công ty chứng khoán gạo cội, có mặt trên thị trường ngay từ ngày thị trường chứng khoán Việt Nam mới khai sinh: Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và ACBS. Chỉ tính riêng 4 “ông kẹ” trên đã nắm 80% thị phần môi giới cho khối nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 8!

Giải bài toán cạnh tranh

4/5 công ty chứng khoán đang dẫn đầu thị phần môi giới trong nước đã nâng mức chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới thêm một bước bằng cách chia khách hàng theo nhóm và mỗi nhân viên môi giới phụ trách tư vấn cho một nhóm khách hàng.

Hoạt động của phòng phân tích được đẩy mạnh để tư vấn tốt nhất cho từng nhóm khách hàng, đặc biệt là khách hàng lớn. Điều này khiến tốc độ vòng quay vốn của nhà đầu tư được đẩy lên cao.

Đây là một trong các lý do giải thích vì sao những công ty chứng khoán thuộc nhóm 2 (dưới 30.000 tài khoản) lại đang chiếm các thứ hạng đầu. Sẽ không lạ nếu như thời gian tới, nhiều công ty chứng khoán lớn bày tỏ sự “cầu thị” khi phát triển mô hình quản lý năng động, tương tự những đàn em.

Tổng giám đốc của một công ty chứng khoán hạng trung về môi giới nói với chúng tôi, suốt hơn hai tháng qua, ông vẫn ráo riết đàm phán với một số ngân hàng tìm nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư tại công ty. Cung cấp các dịch vụ đòn bẩy tài chính cho nhà đầu tư là cách một số công ty chứng khoán nhắm tới, nhằm tăng thị phần, giữ chân được nhà đầu tư cũ và thu hút nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, hiện nay việc này không đơn giản.

Thứ nhất, nguồn tín dụng trực tiếp vào các kênh đầu tư “nóng” như chứng khoán đã đạt tới giới hạn và luôn bị kiểm soát chặt.

Thứ hai, các ngân hàng hầu hết đã có công ty chứng khoán trực thuộc hoặc tham gia góp vốn, mua cổ phần của một số công ty chứng khoán khác. Các công ty chứng khoán bên ngoài khó có thể tiếp cận nguồn tín dụng này.

Giao dịch ký quỹ (cho phép nhà đầu tư mua chứng khoán vượt quá số tiền thực có trong tài khoản) là biện pháp được nhà đầu tư và cả các công ty chứng khoán trông đợi bấy lâu nay. Cơ quan quản lý đang cân nhắc việc này.

Thực tế, thời gian qua đã có khá nhiều công ty chứng khoán cho phép nhà đầu tư thực hiện - một lý do giúp nhiều công ty chứng khoán tăng thị phần nhanh chóng. Nếu “đèn xanh” được cơ quan quản lý chính thức “bật” trong thời gian tới, sự cạnh tranh về thị phần giữa các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục sôi động.

Trong khi chờ đợi, một số công ty chứng khoán tiếp tục khuyến khích nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Việc cảnh báo hoạt động quá đà này đã có, nhưng giống như tấm biển báo giao thông ở đoạn đường nguy hiểm, có rồi, nhưng những người chủ quan vẫn lờ đi. Và tai nạn vẫn có thể xảy ra!