Thị trường bất động sản 15 năm tới ra sao?

Theo Huyền Trâm/bizlive.vn

Nhiều nhận định cho rằng, bất động sản thời gian tới sẽ xuất hiện thêm nhiều loại hình, sản phẩm mới.

 Các diễn giả trao đổi tại hội thảo - Ảnh: Huyền Trâm.
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo - Ảnh: Huyền Trâm.

Hội thảo Phát triển bất động sản Việt Nam - Tầm nhìn và triển vọng do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức hôm nay (11/8) tại TP. Hồ Chí Minh thu hút nhiều ý kiến, nhận định xoay quanh xu hướng phát triển thị trường bất động sản tầm nhìn 10-15 năm tới.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nêu, thị trường bất động sản đang đứng trước nhiều nhận định khác nhau. Có ý kiến cho rằng, 10 năm tới là bức tranh sáng tối, cũng có nhận định thị trường phát triển bùng nổ và cũng có nhận định thị trường phát triển ổn định.

Ông Lộc cho rằng, chắc chắn thị trường sẽ thay đổi, xuất hiện nhiều loại hình bất động sản mới, thông minh hơn, khác hơn thị trường truyền thống. Thị trường cũng chịu tác động nhiều bởi yếu tố về kinh tế, nhân khẩu học, biến đổi khí hậu…

Nói về những thách thức, tác động tới các thị trường, trong đó có bất động sản, ông Ngô Đông Hải, Phó Ban kinh tế Trung ương lưu ý 4 vấn đề. Thứ nhất, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong những năm gần đây và hiện nay kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Theo đó, tạo môi trường quan trọng nhằm kêu gọi đầu tư, là yếu tố quan trọng hàng đầu, tác động lớn tới các thị trường, nhất là bất động sản.

Thứ hai, chúng ta có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu mô hình kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng toàn diện trong cả nền kinh tế, lĩnh vực bất động sản cũng không loại trừ. Thứ ba, Đảng có Nghị quyết TW 5 tiếp tục hoàn thiện thể chế, về đất đai, sở hữu tài sản, giao dịch trao đổi bất động sản... Cuối cùng là tiếp tục kiên định hội nhập kinh tế quốc tế, làm thế nào để chọn lọc hơn, có tiếng nói mạnh mẽ hơn, biết vai biết sức của chúng ta hơn.

Vốn FDI, kiều hối đổ vào bất động sản tăng trưởng

Đề cập vấn đề vốn cho bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN CN TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 7/2018, ngành ngân hàng thành phố huy động 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 7,21% so với đầu năm. Dư nợ toàn ngành là 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 18% cùng kỳ. Trong tổng dư nợ tín dụng 10,8% dành cho bất động sản, tức khoảng 208 nghìn tỷ đồng dành cho bất động sản.

Bình quân 5 năm trở lại đây, tín dụng cho bất động sản hằng năm tăng trưởng hơn 11%. Tín dụng bất động sản bao giờ cũng tăng chậm hơn tín dụng chung, góp phần tích cực thị trường phát triển đúng hướng, đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư, nhà quản lý. Vốn dành cho bất động sản nhu cầu rất lớn. Bên cạnh vốn từ ngân hàng còn có vốn FDI, từ kiều hối khá quan trọng, từ đó giảm áp lực cho ngân hàng cung ứng vốn cho bất động sản. Bình quân 3 năm qua, kiều hối đổ về thành phố đạt 5 đến 5,5 tỷ USD mỗi năm, trong đó 20% đổ vào bất động sản, tức khoảng 1 tỷ USD. Đây là hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp, cho thị trường.

Hiện nay, qua những bài học giai đoạn 2007-2010, ngành ngân hàng có những cơ chế cính sách, công tác quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn. Đầu tư với chủ đầu tư có năng lực triển khai dự án. Căn cứ Luật Đất đai, Luật kinh doanh bất động sản ngành ngân hàng còn yêu cầu việc bảo lãnh cho người mua nhà. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng hiện nay đi đúng hướng, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển ổn định.

Ông Phan Trường Sơn, Trưởng Phòng Quản lý bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng,  liên quan nguồn vốn FDI vào bất động sản, 5 năm gần đây đầu tư FDI rất lớn. Theo ông Sơn thì nguồn vốn mang tính gián tiếp nhiều hơn, vốn từ các tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài phải phối hợp với công ty trong nước nhằm thuận lợi trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Bởi thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng có đặc thù riêng, đó là có vấn đề hồi hoàn giải phóng mặt bằng, nên các doanh nghiệp nước ngoài phải hợp tác với nhà đầu tư trong nước.

Xu hướng thị trường bất động sản sẽ thế nào?

Một trong những vấn đề tác động tới xu hướng phát triển bất động sản trong tương lai được đề cập đó là xu hướng cách mạng 4.0.

Theo ông Ngô Đông Hải, nếu nói đến nền kinh tế số, xu hướng phát triển thành phố thông minh đang trở thành trào lưu thực sự trên thế giới. Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra nhanh, nhưng phần lớn đô thị là trẻ, theo nghĩa về quy mô, trình độ phát triển. Việc chúng ta bắt tay vào tiếp cận kinh tế số, thành phố thông minh là đúng, bắt nhịp nhằm không bị bỏ rơi.

Ông Hải đồng tình với đề cập của ông Vũ Tiến Lộc nêu về việc đến lúc chúng ta phải có những sản phẩm ngày càng đổi mới hơn, đặc thù hơn, không chỉ còn đơn thuần là sản phẩm bất động sản truyền thống. Bởi cùng với đời sống nâng cao, cùng với phát triển xã hội, nhu cầu đa dạng của người dân trong việc ăn mặc ở ngày càng nâng cao hơn. Theo đó, các nhà phát triển bất động sản cần bắt kịp được xu hướng này.

Tầm nhìn thời gian tới, riêng với TP. Hồ Chí Minh ông Phan Trường Sơn cho rằng thị trường bất động sản phát triển căn cứ theo quy hoạch phát triển đô thị của thành phố. Hiện nay phát triển đô thị thông minh nhận được nhiều sự quan tâm, khai thác tối đa công nghệ thông tin.

Thành phố phát triển bất động sản theo phát triển vùng và đa trung tâm. 10 -15 năm tới, thành phố phát triển công trình bất động sản theo hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí cậu. Thành phố có một kết cấu hạ tầng đô thị tương đối hiện đại, hiện thành phố đang tiếp tục triển khai các tuyến metro đáp ứng giao thông đô thị.

Sắp tới, thành phố phát triển đa dạng các loại hình bất động sản. 10-15 năm nữa, vấn đề phát triển chung cư cao tầng là xu hướng tất yếu và phát triển mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu về nhà ở.