Thị trường bất động sản ấm dần nhưng… khó “sốt”

Theo Báo Đầu tư Bất động sản

(Tài chính) Hết quý III/2014, thị trường bất động sản vẫn đang trong xu hướng ấm dần lên, nhưng theo nhiều chuyên gia nhận định, thị trường sẽ khó “sốt”, vì người mua ngày càng tỉnh táo hơn.

Thị trường bất động sản ấm dần nhưng… khó “sốt”
Nguồn cung đối với loại nhà xã hội, căn hộ trung bình và giá thấp đang tăng lên, có giao dịch tốt. Nguồn: internet

Dấu hiệu tốt dần

Cuối tháng 9 và đầu tháng 10 này, các báo cáo thị trường của những công ty có uy tín trên thị trường bất động sản được công bố với một điểm chung là thị trường đã dần ấm lên.

Có những dự án dù giá cao, nhưng đã hoàn thành, hạ tầng đồng bộ, vẫn có nhiều người mua và nhận bàn giao nhà. Nguồn cung đối với loại nhà xã hội, căn hộ trung bình và giá thấp đang tăng lên, có giao dịch tốt. Dự án mới xây xong móng tung ra thị trường đều được hấp thụ hết.

Theo CBRE, tại TP. Hồ Chí Minh, trong quý III/2014, giá bán sơ cấp ở tất cả các phân khúc tăng từ 1 - 4% so với quý trước và 1,2 - 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tăng mạnh nhất là quận 2 với mức tăng 2 - 5% so với quý trước, trong khi phương thức thanh toán ngắn hơn. Doanh số bán tiếp tục xu hướng tăng, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với quý trước. Các sự kiện chào bán có được những phản hồi tích cực thông qua lượng người tham dự cao và khoảng 50-70% căn hộ được đặt mua.

Còn tại Hà Nội, biệt thự, liền kề và căn hộ đều có xu hướng tăng, đặc biệt là phân khúc đất nền. Trong quý III/2014 ghi nhận hơn 100 đất nền được chào bán mới từ 2 dự án (Biệt thự Hoa Anh Đào thuộc Dự án Vinhomes Riverside và Ecopark giai đoạn 2), cả 2 dự án đều có hạ tầng hoàn thiện. Trong quý cũng chứng kiến hoạt động chào bán và lượng giao dịch sôi động đến từ các dự án đã hoàn thiện như Gamuda Gardens của Gamuda Land, hay Lâm Viên (Đặng Xá II) của Viglacera Land.

Trên thị trường thứ cấp, đã có những tín hiệu tích cực do giá tăng nhẹ khoảng 1% sau 3 quý liên tiếp giảm. Các dự án đã bàn giao nhà có mức tăng cao nhất. Việc chủ đầu tư đưa ra các sản phẩm hoàn thiện với nhiều ưu đãi và việc tiếp cận với các khoản vay ngân hàng dễ dàng hơn, nhiều người có nhu cầu thực sự mua hàng đã bắt đầu xuống tiền là những nhân tố chính thúc đẩy tốc độ bán tại một số dự án biệt thự, liền kề trên thị trường.

Nguyên nhân, theo nhiều chuyên gia, cùng với hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá, chiết khấu…, các chủ đầu tư bất động sản cũng tìm nhiều cách khác để đẩy thanh khoản lên, trong đó, giá bán là cách đã được hầu hết các chủ đầu tư áp dụng trong suốt thời gian qua. 

Khó tăng mạnh

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, tuy có những tín hiệu khả quan trong giao dịch, nhưng khó khăn vẫn chưa qua. Lý do, hầu hết các giao dịch thành công đều là những người có nhu cầu mua nhà để sử dụng, tỷ lệ mua để đầu tư, đầu cơ rất thấp. Do đó, khả năng thị trường sốt trở lại trong ngắn hạn là không thể, bởi người mua nhà hiện nay tỉnh táo hơn.

Ông Nam cho rằng, thị trường từ nay đến cuối năm, cũng như trong thời gian tới sẽ ổn định và tốt dần lên theo đà hồi phục chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều sắc luật liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Xây dựng đã được thông qua và sắp tới là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Đồng tình với nhận định trên, ông Vũ Kim Giang, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Hải Phát cho rằng, việc thanh khoản thị trường tăng dần, nhưng giá bán vẫn ổn định như hiện nay là tốt nhất cho hoạt động kinh doanh.

“Các sàn làm ăn lâu dài chỉ cần có hoạt động ổn định, chứ sợ nhất là mỗi ngày mỗi giá, như vậy sẽ rất nguy hiểm”, ông Giang nói.

Còn theo các chuyên gia tài chính, hiện các kênh đầu tư khác đều khác đều thiếu tính ổn định, vì vậy, thời gian tới, sẽ có một dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, do sản phẩm bất động sản tốt không nhiều, nên sức hút dòng vốn chưa cao, khó gây ra hiện tượng “sốt” như trước đây.