Thị trường bất động sản chuẩn bị đón lượng kiều hối "khủng"

Theo kinhdoanhnet.vn

(Taichinh) - Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Năm 2014, kiều hối về Việt Nam khoảng 12,5 tỉ USD. Trong đó, Đầu tư bất động sản đang nhận được khoảng 17-20% tổng lượng kiều hối. Đặc biệt, trong thời gian tới, việc nới lỏng các điều kiện để Việt kiều và người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam đang khiến bất động sản hấp dẫn nguồn vốn này.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Nguồn: internet
Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Nguồn: internet

Đó là nhận định của ông Neil Macgregor Tổng giám đốc điều hành Savills VN đưa ra tại hội thảo “Bất động sản VN trong bối cảnh kinh tế xã hội1995- 2014”, tổ chức ngày 21-5 tại TP.HCM. Theo đó, ông Neil Macgregor cho biết, “Việc chính phủ VN sửa đổi luật nhà ở và luật kinh doanh bất động sản cho phép người nước ngoài và Việt kiều mua sở hữu nhà sẽ tạo ra một làn sóng nhà đầu tư vào thị trường này.

Trong ngắn hạn các nhà đầu tư của Singapore sẽ đặc biệt quan tâm tới thị trường này vì biên độ lợi nhuận cao hơn nhiều so với trong nước họ. Điều này đang thể hiện rõ khi các chủ đầu tư Singapore cũng đầu tư nhiều dự án bất động sản tại VN trong thời gian qua.Tiếp đến các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản cũng trở thành những khách hàng tiềm năng cho thị trường Việt Nam”.

Với việc tung ra một dự án chung cư cao cấp với tổng mức đầu tư 100 triệu USD tại TP.HCM, ông Mark K Acree đại diện tập đoàn bất động sản Hamon Developments (Anh) cho biết, dự án này được thiết kế vừa bán, cho thuê và tất cả các dịch vụ tiện ích nhằm đón đầu lượng khách hàng nước ngoài và Việt kiều trong thời gian tới.

Tuy nhiên ông Mark K Acree cho rằng trong ngắn hạn thị trường bất động sản VN khó có biến động giá bởi nguồn cung trên thị trường đang lớn.

Theo nhiều chuyên gia trên thị trường BĐS cũng cho rằng, thị trường bất động sản đã có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là việc nới rộng điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ đem đến cú hích đối với thị trường.

Theo ước tính, hiện có hàng chục ngàn người nước ngoài ở Việt Nam có nhu cầu về nhà ở và chỉ cần một phần trong số này tiến hành mua nhà cũng sẽ tạo nên lực cầu lớn trong phân khúc nhà cao cấp. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản làm ăn khấm khá, từ đó cổ phiếu của nhóm ngành này sẽ thăng hoa. Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hanh thông mà chỉ những đơn vị có quỹ đất tốt, khả năng phát triển dự án, tiềm lực tài chính, khả năng bán hàng, phân phối sản phẩm… thì mới thật sự có tiềm năng thu về lợi nhuận.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại với thị trường thông qua việc đầu tư gián tiếp cũng như trực tiếp theo nhiều hình thức liên doanh liên kết, mua bán và sáp nhập. Tất nhiên, không còn là giai đoạn ăn xổi ở thì, họ chủ yếu chọn những dự án được đầu tư tốt, khả năng sinh lời cao và không có dấu hiệu của đầu cơ.

Thị trường hiện đã hướng đến sự ổn định, các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư lâu dài sau một thời gian dài quan sát, tìm hiểu thị trường và đón nhận những chuyển biến mới về chính sách. Điều mà các doanh nghiệp hay quỹ đầu tư trong và ngoài nước trong các thương vụ đầu tư quan tâm là những dự án đó phải không còn những vướng mắc về thủ tục pháp lý, đền bù giải tỏa…

Lâu nay, các chính sách, thủ tục giấy tờ hành chính của nhiều địa phương vẫn chưa thực sự rõ ràng, minh bạch, khiến cho nhiều nhà đầu tư còn e ngại. Đó là chưa kể một chính sách tốt nhưng nếu khâu thực hiện không đồng bộ, cản trở lẫn nhau thì hiệu quả đạt được cũng không cao.Nhìn một cách tổng thể, thị trường hiện tại vẫn đang thuộc về người mua, chứ không còn thuộc về người bán như giai đoạn “nóng sốt” trước kia, nên chỉ những sản phẩm nào đáp ứng được nhu cầu người mua thì mới được thị trường chấp nhận. Về lâu dài, điều này tốt cho sự ổn định của thị trường địa ốc.

Theo Cục đầu tư nước ngoài tính từ đầu năm đến nay đã có 1.196 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký khoảng 11,5 tỉ USD, chiếm 6,5% tổng số dự án và 4,5% tổng vốn đầu tư của cả nước và đứng thứ ba về ngành lĩnh vực thu hút FDI.

Quy mô bình quân dự án trong lĩnh vực xây dựng là 9,64 triệu USD. Riêng lĩnh vực Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 10 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 327 triệu USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư.