Thị trường bất động sản đang diễn biến tích cực

Theo tapchithue.com.vn

Đó là đánh giá chung được hầu hết các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Cơ hội đầu tư bất động sản (BĐS) trong bối cảnh mới” do Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 18/5 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường đang ấm dần

Minh chứng cho diễn biến này, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, tiếp nối đà giao dịch tăng trở lại từ năm 2015, những tháng đầu năm 2016 thị trường BĐS vẫn duy trì hoạt động tích cực do giá cả ổn định và người mua đang có khá nhiều sự lựa chọn. Hiện tại, hiệu quả sinh lời của BĐS trên giá giao dịch được đánh giá là rất tốt. Theo tính toán của ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, hiệu quả khai thác/trị giá giao dịch hiện nay đã đạt 5-6% ở Hà Nội, và 6-7% ở TP HCM, đối với BĐS nghỉ dưỡng và du lịch có thể đạt 10-12%. Với các chỉ sô này, ông Hưng cho rằng, đây là thời điểm tốt để người mua nhà ở hay người đầu tư dài hạn tham gia thị trường.

Trước những ý kiến lo ngại, liệu sự ấm lên của thị trường BĐS gần đây có phải là “bong bóng”, ông Vũ Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) phân tích: cho đến nay, giá BĐS mới tăng khoảng 5-10% và cũng chỉ xảy ra ở một số dự án, không phải trên bình diện rộng. Đây là mức giá còn xa so với thời kỳ nóng nhất (2008 - 2009). Bên cạnh đó, với số lượng dự án, số lượng nhà đang triển khai rất nhiều hiện nay, khả năng xảy ra bong bóng trong thời gian tới là rất khó. Về vấn đề này, ông Michael Piro – Giám đốc Điều hành Indochina Land cũng cho rằng, thị trường hiện đã có sự khác biệt lớn khi so sánh với thời điểm BĐS nóng. Nếu như trước đây khách hàng đầu từ dàn trải không quá kỹ lưỡng, thì nay họ lại dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ dự án, chủ đầu tư, các gói hỗ trợ hấp dẫn.

Một điểm đáng chú ý nữa là ở thời điểm từ 2007 - 2009, có rất nhiều công ty, tổ chức mà lĩnh vực kinh doanh chính của họ không phải là BĐS đã nhìn thấy những cơ hội hấp dẫn tại thị trường này để “lấn sân”. Tuy nhiên sau một thời gian cạnh tranh khốc liệt đã nhận ra BĐS không phải là lĩnh vực dễ thu lời như họ mong muốn. “Vì thế, trên thị trường hiện nay chỉ tồn tại một số tên tuổi (công ty) đã kinh qua những giai đoạn thăng trầm của thị trường; và điều này làm cho thị trường BĐS tốt lên, bởi sân chơi đã trở nên chuyên nghiệp hơn” - ông Michael Piro đánh giá.

Triển vọng sáng thời gian tới

Với những diễn biến trên, các chuyên gia dự báo, thị trường vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái như hiện nay trong vài năm tiếp theo, tuy nhiên, ở mỗi phân khúc có thể có những biến động khác nhau. Theo dự báo của ông Hưng, đối với phân khúc nhà giá rẻ và trung bình có thể sẽ khan hiếm, dẫn tới giá tăng lên, trong khi các phân khúc cao và đặc biệt cao cấp dễ tiếp cận hơn với phần đông khách hàng. BĐS du lịch cũng được dự báo sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về nguồn cung, nhưng không dễ dàng tiêu thụ và chỉ số ít những dự án có phương án kinh doanh tốt mới đem lại thành công.

Theo dự báo của ông Michael Piro, thị trường sẽ tiếp tục ổn định cho tới hết năm 2016 với lượng cầu tiếp tục tập trung vào phân khúc chung và cao cấp, tuy nhiên mức giá đi vào ổn định hoặc có thể tăng nhẹ. Đến năm 2017, sẽ bắt đầu đầu tư mạnh hơn và phát triển nhiều dự án. Điều này sẽ khiến lượng cung dự án trong năm sẽ vượt lượng cầu một chút.

Đồng tình với các dự báo tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2016 và nửa đầu năm 2017 sẽ vẫn trên đà phát triển tốt. Trong đó, đối tượng nhà ở thu nhập thấp và phân khúc nhà chung cư trung cấp vẫn duy trì tính ổn định về giao dịch và giá cả. Sản phẩm đất nền trong khu vực được quy hoạch đồng bộ, vị trí tốt, nhà đầu tư có thương hiệu sẽ có giá trị gia tăng tốt hơn so với chung cư và BĐS nghỉ dưỡng. Đây sẽ là phân khúc có sự đột phá trong tương lai gần bởi lẽ phân khúc này nhận được sự hỗ trợ tích cực từ 2 chính sách, đó là Việt Nam tham gia TPP và chính sách người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.