Thị trường bất động sản đầu năm 2017: Dòng vốn ngoại thực chất hơn

Theo daibieunhandan.vn

Tháng 1/2017, thị trường bất động sản (BĐS) cả nước đón thêm gần 300 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm 20,9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Tính cả năm 2016, dòng vốn này đạt khoảng 1,3 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn FDI. Điều đáng mừng là dòng vốn đầu tư đã thực chất hơn, báo hiệu một thị trường chuẩn bị bước vào cuộc cạnh tranh sôi động.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

TP. Hồ Chí Minh “hút” dự án

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, thị trường bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh được đánh giá sôi động, minh bạch, “hút” nhiều dự án FDI nhất (chiếm tới 40,9% tổng số vốn FDI vào BĐS cả nước). Mới đây, giới kinh doanh BĐS thành phố đã chứng kiến lễ ra mắt liên doanh đầu tư giữa Tập đoàn Maeda (Nhật Bản) và Công ty Thiên Đức để phát triển dự án căn hộ cao cấp Waterina Suites với tổng đầu tư 30 triệu USD tại quận 2. Dự án này được xem là “đối thủ” đáng gờm về chất lượng, giá cả cho nhiều nhà đầu tư nội địa tại khu vực đang khá phát triển này.

Trước đó, Tập đoàn Mitsubishi đã ký kết với Bitexco thành lập liên doanh phát triển dự án nhà ở với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 290 triệu USD. Một “đại gia” khác là Kajima, tập đoàn xây dựng 176 năm tuổi đến từ Nhật Bản vừa cùng Indochina Capital ra mắt liên doanh với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Chủ đầu tư này cho biết, trước mắt sẽ triển khai 4 dự án BĐS cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

Không chỉ “hút” về số lượng, dòng vốn FDI vào BĐS được các chuyên gia đánh giá là đã thực chất và khả thi hơn rất nhiều so với giai đoạn 2011 - 2013. Điều này thể hiện ở việc nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra mua lại các dự án BĐS và bắt tay triển khai ngay để có sản phẩm tung ra thị trường. Điển hình là Quỹ đầu tư Frasers Centrepoint Limited (Singapore) đã mua 70% cổ phần trong dự án G Homes từ Tập đoàn An Dương Thảo Điền.

Còn Quỹ Capitaland đã mua lại một dự án BĐS tại quận 1. Đây là quỹ đầu tư thứ hai của Capitaland, sau quỹ đầu tư trị giá 200 triệu USD được công bố vào năm 2010. “Đình đám” hơn cả là thương vụ một nhà đầu tư Nhật Bản bỏ 1.200 tỷ đồng cùng với Công ty Tiến Phát tham gia mua lại một số dự án BĐS cao cấp và trung cấp. Còn Tập đoàn Creed Group (Nhật Bản) đầu tư vào Công ty BĐS An Gia số tiền 200 triệu USD cùng phát triển các dự án BĐS tại TP. Hồ Chí Minh.

Giảm thiểu bong bóng BĐS

Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH và ĐT) Phan Hữu Thắng cho biết, hiện nay xu hướng đầu tư nước ngoài vào BĐS nghỉ dưỡng chiếm số lượng nhiều nhất. Sở dĩ có sự bùng nổ về các dự án FDI vào BĐS nghỉ dưỡng là vì Việt Nam có bờ biển trải dài, phong cảnh đẹp, nhu cầu nghỉ dưỡng đang tăng cao, thủ tục hành chính đã được cải thiện rất nhiều, giá thuê đất hợp lý. Ngoài ra, thời gian thuê đất từ 50- 70 năm, cũng góp khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, không phải các dòng vốn mới đều rót vào phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Từ cuối năm 2016 tới nay, dòng vốn ngoại đã hướng tới những sản phẩm vừa giá tiền, phục vụ đối tượng thu nhập trung bình và khá. Dự án dành cho người có thu nhập khá ở quận 9 của CapitaLand với Novaland là một ví dụ. “Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, dân số hơn 90 triệu người, nhu cầu nhà ở là khá bức thiết là những yếu tố để chúng tôi tin tưởng thành công khi đầu tư vào BĐS hạng trung và thấp”, một thành viên của Ban Giám đốc thuộc CapitaLand nói.

“Rõ ràng, sự chuyển hướng của dòng vốn của các tập đoàn nước ngoài là tín hiệu tích cực cho thị trường. Nếu vốn chỉ tập trung vào loại hình BĐS có nhu cầu thấp như căn hộ cao cấp hay nghỉ dưỡng thì có thể góp phần tạo nên “bong bóng” BĐS và làm nền kinh tế mất ổn định”, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định.

Dẫu vậy, ông Nam cũng cảnh báo rằng, trước “làn sóng” vốn FDI năm 2017 đổ vào thị trường BĐS, các địa phương cần tỉnh táo hơn, tránh trường hợp vì áp lực phải thu hút vốn bằng mọi cách, cần nghiên kỹ về uy tín, khả năng tài chính của nhà đầu tư, khả năng giải ngân trước khi cấp phép, tránh việc nhà đầu tư giành phần đất rồi bỏ hoang.