Thị trường bất động sản Hà Nội: “Mắt bão” vẫn ở phía tây

Theo LĐ

Không ảm đạm như thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM, BĐS Hà Nội đang có những phản ứng trái chiều, với mức giá liên tục được đẩy lên cao. Trong đó, “mắt bão”, theo nhận định của các chuyên gia BĐS, vẫn là khu vực phía tây với liên tục các mặt bằng giá mới được xác lập.

Chóng mặt
Quả thật, mức tăng giá hiện nay của các dự án BĐS phía tây khiến ngay cả những người có thâm niên đầu cơ BĐS nhiều năm cũng phải chóng mặt. Bà N.P.H - một người khá thành công trong lĩnh vực đầu tư BĐS - cho biết, thông thường, giá BĐS sẽ được xác lập theo nhiều yếu tố: Vị trí của dự án, cơ sở hạ tầng kết nối, tên tuổi và uy tín của chủ đầu tư, giá gốc và tiến độ nộp tiền... Nếu phần lớn những yếu tố quan trọng này đáp ứng tương đối tốt, thì đầu tư vào BĐS đó chắc chắn sinh lời. Mức lợi nhuận tùy theo nguồn cung - cầu của thị trường, có thể thậm chí lên tới 20% so với giá đầu tư ban đầu.
Tuy nhiên, theo bà H, việc tăng giá BĐS hiện nay hoàn toàn không có cơ sở nào, chủ yếu là do chủ sở hữu muốn “quát” bao nhiêu thì “quát”. “Giá đang bị thổi quá đà do sự tham gia của quá nhiều nhà đầu cơ có máu mặt, vốn lớn và trường vốn. Một ví dụ đơn giản như một lô đất của dự án Gleximco trên trục đại lộ Thăng Long khu C- khu D, tức là những khu chủ đầu tư mới đang chuẩn bị giải phóng mặt bằng, muốn sở hữu đã phải nộp tiền đến 90%. Với giá từ 45-55 triệu đồng/m2, một lô đất 100m2 xấp xỉ 5-6 tỉ đồng, không phải ai cũng có đủ lực, đủ gan để ôm được” - bà H nói.
Cũng như nhiều người đang lướt sóng BĐS hiện nay, thông thường ở mỗi dự án đầu tư, bà H thường chọn cách lướt nhanh, được 1-2 giá (1-2 triệu đồng) là bán. Tuy nhiên, với công nghệ thổi giá hiện nay, cứ bán xong là lại thấy hớ. Cách đây 2 tháng, đất dự án Gleximco giá khoảng 35 triệu đồng/m2 đã khiến người ta lè lưỡi, đều cảm thấy “chốt lãi” được rồi, giờ cũng lô đất vị trí đó bán giá gần 50 triệu đồng/m2.
Đất dịch vụ - tăng cùng rủi ro
Tăng khủng khiếp và vô lối nhất là đất dịch vụ. Theo một văn phòng môi giới nhà đất nằm trên trục Lê Văn Lương kéo dài, loại đất này sốt nhất là khu vực quanh trục đường Lê Văn Lương kéo dài, tiếp đến là đất thuộc các xã La Khê, Đồng Mai, Yên Nghĩa. Đất dịch vụ xã La Khê do án ngữ tại vị trí sát mặt đường Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn, nên được dân ở đây “quát” đến trên 60 triệu đồng/m2, đường nhỏ 40 triệu đồng/m2 dù chưa hề bốc thăm, có vị trí rõ ràng. Chủ văn phòng môi giới BĐS Đức Trang cho biết, do diện tích đất được chia khá hợp lý (từ 40- 60m2/suất), phù hợp với túi tiền của khách hàng, nên đất dịch vụ tại một số xã  thuộc quận Hà Đông bán rất nhanh. Cách đây 2 tháng, giá đất dịch vụ tại các dự án Văn Khê, Dương Nội... giá chỉ khoảng 1,2 - 1,5 tỉ đồng/suất 50m2, song vài tuần trở lại đây cùng với sự tăng giá các khu đất nền trong dự án..., giá loại đất này đã nhích lên hơn 40 triệu đồng/m2, nhưng rất ít người rao bán.
Điều nguy hiểm là đất ở những khu vực đã có hạ tầng, chuẩn bị bốc thăm vị trí tăng đã đành, nhưng đất dịch  vụ ở cả các khu vực như khu đô thị mới Nam An Khánh, Bắc An Khánh, nơi giữa chính quyền địa phương và chủ dự án vẫn còn lùng nhùng, chưa có phương án cụ thể về đất trả lại làm dịch vụ cho dân (do thiếu đất và nhiều lý do khác) cũng tăng chóng mặt. Cho đến nay, thời điểm nào sẽ có đất dịch vụ để trả cho dân tại các thôn Yên Lũng, Vân Lũng (thuộc xã An Khánh), ngay lãnh đạo xã cũng xác nhận là chưa rõ, và liệu có đất để chia không. Vậy mà đất ở đây vẫn đang được giao dịch phổ biến ở mức giá 18-20 triệu đồng/m2. Trong khi cuối năm ngoái, chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/m2.
Đất phía tây tăng chóng mặt và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, theo nhiều văn phòng nhà đất, so với thời điểm cách đây một tháng - thời điểm các giao dịch rất ít, gần như không có, thì hiện số lượng giao dịch đã tăng tương đối. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, song một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do sự tăng giá liên tục của vàng và USD, kéo theo lo ngại về sự mất giá của VND, thì nguyên nhân cơ bản vẫn là do đây là thời điểm gần về cuối năm, các khoản lợi nhuận đã có thể hạch toán bắt đầu dồn về, vì vậy nhu cầu mua BĐS như một hình thức cất giữ tiền an toàn của người dân gia tăng. “Cũng có một thực tế khác được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, đó là theo thông lệ, sau Tết Nguyên đán, thị trường BĐS thường có sóng” - một chuyên gia BĐS cho biết.