Thị trường bất động sản: Khi tâm lý “thượng đế” thay đổi

Theo Thiên Yết/doanhnhansaigon.vn

Trong nhiều hội nghị bất động sản gần đây, các chuyên gia, các nhà phát triển nhà ở nhấn mạnh, chu kỳ hồi phục lần này của thị trường khác hoàn toàn so với trước.

Giá cả chỉ là một trong những yếu tố tác động đến quyết định mua hoặc không của người mua nhà. Nguồn: doanhnhansaigon.vn
Giá cả chỉ là một trong những yếu tố tác động đến quyết định mua hoặc không của người mua nhà. Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Sự khác biệt này không chỉ gói gọn ở góc nhìn của doanh nghiệp, chủ đầu tư mà còn ở khách hàng. Nhu cầu về nhà ở của người mua không giảm, nhưng thận trọng trong quyết định sở hữu nhà, bởi có nhiều hơn một sự lựa chọn. Giá cả chỉ là một trong những yếu tố tác động đến quyết định mua hoặc không của người mua nhà.

Thay vì mang tâm lý sợ vay nợ như trước đây thì người mua nhà đã mạnh dạn tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng. Theo một khảo sát của Công ty Chứng khoán Bản Việt, giai đoạn từ 2008 - 2011, chỉ 10 - 15% người mua nhà sử dụng vốn vay ngân hàng, nhưng từ năm 2014 - 2017, tỷ lệ này chiếm ít nhất 50%. Sự thay đổi này là do giá nhà, đặc biệt là căn hộ đã có sự ổn định và sát với giá trị thực.

Hơn nữa, lãi suất cho vay mua nhà tương đối ổn định và ở mức chấp nhận được. Thậm chí, ở nhiều khu nhà, chủ đầu tư còn kết hợp với nhà băng hỗ trợ lãi suất cho người mua cho đến khi nhận nhà, hoặc ân hạn nợ gốc 2 năm, hay đưa ra nhiều gói cho vay với lãi suất cố định trong khoản thời gian 3 - 5 năm. Với chính sách "kích cầu" này, các gia đình trẻ có thu nhập ổn định hoạch định được tài chính trong việc chi tiêu và thanh toán nợ vay.

Công ty Chứng khoán Bản Việt viện dẫn, với một gia đình có thu nhập khoảng 29,5 triệu đồng/tháng, mua căn hộ 60m2 giá từ 18 - 23 triệu đồng/m2, trong đó, vay ngân hàng 50% (lãi suất khoảng 10%/năm) thì hằng tháng vẫn thanh toán được mức 6,8 - 11,4 triệu đồng cho nhà băng.

Tính toán là vậy, nhưng trên thực tế, mức lãi suất cố định 10% hoặc thấp hơn 10%/năm thường chỉ áp dụng trong thời gian 1 - 3 năm đầu của khoản vay cũng như suốt thời gian vay (tối đa là 20 năm).

Do vậy, để "kích cầu" thị trường căn hộ và giảm tồn kho, nhiều chủ đầu tư cho rằng, trước đây lo ngại chuyện ngân hàng siết tín dụng với nhà phát triển thì nay lại lái sang khách hàng, theo đó, các chính sách về tín dụng, đặc biệt là tín dụng dành cho bất động sản nên ưu tiên cho người mua.

Đây cũng là cách góp phần cân bằng cung cầu trên thị trường nhà ở, cũng đồng thời tạo điều kiện cho những người trẻ an cư. Trong khi đó, về phía chủ đầu tư, thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển dự án thì nay, họ lại chọn giải pháp liên doanh, liên kết hoặc gọi vốn ngoại. Vốn thì doanh nghiệp có thể chủ động được trong giai đoạn này, còn đầu ra cần phải có những chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở.