Thị trường bất động sản năm 2017 tiếp tục đà ổn định

PV.

10 tháng đầu năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục đà phát triển ổn định, thể hiện qua lượng giao dịch và giá cả bất động sản không có biến động lớn, trừ một số nơi, tại một số thời điểm có hiện tượng sốt đất nền "đón đầu quy hoạch".

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vẫn còn nhiều bất hợp lý

Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2017 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay vẫn còn một số hạn chế trong phát triển thị trường bất động sản như chưa đồng bộ, thiếu bền vững, thiếu minh bạch, nhiều nơi còn phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối...

Ngoài ra, cơ cấu hàng hóa trên thị trường vẫn còn bất hợp lý. Trong khi phân khúc nhà ở cao cấp đang dư cung thì lại thiếu nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến bất động sản cao cấp, đầu tư các khu nghỉ dưỡng. 

Thực tế cho thấy, 10 tháng đầu năm 2017 tiếp tục chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ về giao dịch của bất động sản nghỉ dưỡng, bình quân mỗi quý đạt 3.200 giao dịch nhất là tại thị trường Nha Trang, Đà Nẵng với nhiều dự án lớn với chất lượng cao tại Nha Trang (Movenpick, Vogue, Panorama...) hay Đà Nẵng (Cocobay, Hòa Bình Green, Sentosa...). Tuy nhiên, thực tế này tiếp tục dấy lên mối lo ngại về tình trạng phát triển mất cân đối, thị trường thiếu các loại nhà ở giá rẻ, phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người dân có nhu cầu mua nhà ở, trong khi nhà ở căn hộ cao cấp giao dịch chậm, nguồn cung lớn.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa đa dạng. Cụ thể, nguồn vốn hiện nay chủ yếu vẫn đến từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng, trong khi đó tỷ lệ vốn của chủ đầu tư thấp. Một số doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư của ngân hàng thông qua các công ty con, công ty liên kết gây ra sự khó kiểm soát việc cho vay và cơ cấu tín dụng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cảnh báo về tăng trưởng nóng cho thị trường bất động sản. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 31/7/2017, dư nợ cấp tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản tăng khoảng 4% so với ngày 31/12/2016, chiếm tỷ trọng khoảng 9% dư nợ đối với nền kinh tế - tỷ trọng này khá ổn định từ năm 2013 đến nay.

Tuy nhiên, khác với trước đây, dòng vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản hiện đã hướng vào lĩnh vực tiêu dùng về nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân với mức tăng trưởng khoảng 11% so với ngày 31/12/2016...

Để phát triển thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững

Nhìn chung, thị trường bất động sản năm 2017 sẽ tiếp tục đà ổn định. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, để thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh, thì tất cả các chủ thể tham gia thị trường đều phải hoạt động một cách chuyên nghiệp, công khai và minh bạch.

Theo đó, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cần bảo đảm công khai về các quy hoạch đô thị, kế hoạch phát triển đô thị, phát triển nhà ở và tăng cường công tác thanh tra kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường; Rà soát các quy định, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt dự án của các cơ quan chức năng để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích trung bình, giá bán vừa phải; Tiếp tục, rà soát hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến một số vấn đề mới phát sinh trong thực tế như condotel, officetel..., Thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng nước ngoài... Xử lý nghiêm những người làm môi giới bất động sản không qua đào tạo và không có Giấy phép hành nghề, hoặc vi phạm các quy định của pháp luật khi hành nghề môi giới bất động sản...

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần tiếp tục phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, phát triển thị trường tài chính nhà ở để cung cấp nguồn vốn trung dài hạn ổn định cho thị trường bất động sản, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, Ngân hàng Nhà ước cần theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và có những giải pháp kịp thời để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững...

Đối với những nhà môi giới bất động sản cần tuân thủ nghiêm quy định về cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản thông qua sát hạch và đào tạo một cách chuyên nghiệp, nâng cao đạo đức nghề nghiệp nghề môi giới bất động sản...