Thị trường chứng khoán 2011 sẽ bật trở lại?

Theo TBKTSG

Thị trường chứng khoán (TTCK) vốn được xem là “phong vũ biểu” của nền kinh tế. Năm 2010, nền kinh tế Việt Năm cũng thăng trầm như chính TTCK.

Hầu hết tất cả các chỉ tiêu kinh tế như tăng trưởng, sản xuất công nghiệp... đều đạt hoặc vượt dự báo nhưng cái giá phải trả để đạt được điều đó không hề rẻ khi chính năm 2010 phải chứng kiến tỷ giá trong ngân hàng và thị trường tự do cách xa nhau, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới, lãi suất tăng mạnh và lạm phát cũng... vượt dự báo. Những yếu tố trên cũng tác động mạnh đến TTCK trong năm qua.

Như vậy năm 2011, với những yếu tố tác động trên, TTCK sẽ có những cơ hội kèm theo những thách thức nào?

Các yếu tố kinh tế vĩ mô và vấn đề lãi suất

Với chỉ tiêu Chính phủ đề ra là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng đầu năm 2011 ở mức 3,5% trong khi CPI cả nước tháng 1-2011 là 1,74%, rõ ràng mục tiêu này khó đạt được. Như thế trong những tháng đầu năm 2011 chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì và điều này làm nhiều nhà đầu tư lo lắng. Tuy nhiên thực tế không đến mức làm nhà đầu tư băn khoăn như vậy. Thống kê trong lịch sử từ những TTCK lớn trên thế giới và 10 năm của TTCK Việt Nam cho thấy phần lớn thời gian khi tăng lãi suất thì TTCK thường tăng điểm nhiều hơn là giảm điểm và ngược lại (xem hình).

TTCK và một số kênh đầu tư khác

Năm 2010 giá cả hàng hóa, giá vàng, bạc và các loại ngoại tệ tăng mạnh đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và làm giảm đi sự hấp dẫn của TTCK. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm giảm dòng tiền trong TTCK, góp phần làm thị trường sụt giảm. Nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn là bệ đỡ cho thị trường hoặc chỉ đơn thuần là lấy chỉ số HNX thì TTCK Việt Nam có mức độ giảm điểm mạnh nhất thế giới.

Tuy nhiên, bắt đầu cuối năm 2010 giá vàng đã giảm rất mạnh, đến hơn 100 đô la Mỹ/oz trong vòng một tháng (tính đến hết tháng 1-2011). Liên tục các tổ chức như SPDR Gold Trust (quỹ đầu tư vàng hoán đổi lớn nhất thế giới) từ cuối năm 2010 đã bán ra gần 70 tấn, trong đó có phiên bán tháo chưa từng có trong lịch sử của quỹ này vào ngày 25-1 với khối lượng bán ra đến 31 tấn. Đây cũng là giai đoạn bán vàng mạnh nhất của họ chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi SPDR liên tục mua vàng trong suốt hơn sáu năm qua (từ năm 2004 đến nay). Dự trữ của SPDR trong thời gian này đã tăng từ mức 8 tấn có lúc lên đến mức 1.305 tấn.

IMF vào cuối tháng 12-2010 cũng công bố họ hoàn tất việc bán 403,3 tấn vàng. Các tổ chức, ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới cũng rục rịch thay đổi dự báo của họ như Goldman Sachs không nhận định giá vàng sẽ tăng liên tục trong mấy năm nữa mà chuyển sang dự báo vàng sẽ tăng mạnh một đợt cuối cùng lên 1.700 đô la/oz sau đó sẽ lao dốc.

Bên cạnh đó, các hợp đồng tương lai về vàng trên thị trường Mỹ sụt giảm mạnh và các nhà cung cấp các sản phẩm đầu tư vàng trên thị trường cho biết số dư vàng thông qua các công cụ đầu tư họ cung cấp đều sụt giảm. ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) cũng cho biết dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương khu vực châu Âu cũng giảm nhẹ trong tháng 1. Mặc dù vẫn chưa thể khẳng định giá vàng đã bước vào chu kỳ giảm giá dài hạn hay chưa và vàng vẫn còn nhiều cơ hội gia tăng do tình hình kinh tế xã hội thế giới còn nhiều bất ổn nhưng có thể thấy sự quan tâm về vàng trong giới đầu tư toàn cầu đang có xu hướng sụt giảm. Nếu trong dài hạn xu thế này vẫn tiếp tục duy trì thì TTCK thế giới nói chung và nhất là TTCK Việt Nam với giá đang ở mức quá thấp sẽ trở nên hấp dẫn và góp phần thu hút dòng tiền quay trở lại mạnh mẽ.

Có phải chứng khoán Việt Nam đang quá rẻ?

Năm 2010 chứng kiến nhiều chứng khoán có thị giá dưới mệnh giá thậm chí có mã chứng khoán giá còn rẻ hơn cả một que kem hay một cái vé gửi xe (ví dụ như SCO có lúc giá chỉ có 2.500 đồng). Chứng khoán thậm chí còn rẻ hơn nữa nếu so sánh với đồng Việt Nam. Giới đầu tư luôn biết rằng khi một đồng tiền tăng giá đồng nghĩa với việc các hàng hóa được định giá bằng đồng tiền đó trở nên đắt hơn. Bởi thế trong năm qua các quốc gia “chạy đua” giảm giá đồng tiền của họ để hỗ trợ cho xuất khẩu.

Minh chứng rõ ràng cho điều này là Nhật Bản bị suy thoái suốt hàng chục năm qua, chỉ số Nikkei từ mức xấp xỉ 40.000 điểm năm 1990 đã rớt suốt 20 năm và đã có lúc về gần mức 7.000 điểm. Một trong những nguyên nhân chính làm TTCK Nhật giảm mạnh là do đồng yen đã tăng giá quá mạnh trong hơn 20 năm qua. Vào thời điểm Nikkei ở mức 40.000 điểm năm 1990 đồng yen có giá trị lên đến 160 (ăn 1 đô la Mỹ).

Tuy nhiên năm 2010 có lúc chỉ còn 80 yen đổi được 1 đô la Mỹ. Bản thân đồng tiền này cũng tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác nhiều năm nay. Như vậy đủ thấy đồng yen tăng giá mạnh nhất nhì thế giới. Hàng hóa và giá chứng khoán trên thị trường Nhật (được định giá bằng đồng yen) đã liên tục giảm giá đẩy nước Nhật trải qua đợt suy thoái trầm trọng trong suốt hàng chục năm qua dẫn đến việc nền kinh tế Nhật Bản đã bị Trung Quốc đuổi kịp.

Trong năm 2010 tiền đồng Việt Nam tiếp tục mất giá mạnh so với đô la Mỹ trong khi đồng tiền này lại mất giá mạnh so với các đồng tiền khác (ví dụ như trong năm 2010 đô la Úc lần đầu tiên trong suốt 27 năm qua đã có giá trị hơn 1 đô Mỹ). Trong khi các hàng hóa được định giá bằng tiền đồng hầu hết đã tăng giá để cân bằng lại với điều này thì chứng khoán vẫn tiếp tục giảm giá trong suốt năm 2010. Điều này cho thấy giá chứng khoán đã trở nên thấp hơn mấy lần so với thông thường.

Cơ hội của TTCK năm 2011

Vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi, nhiều khó khăn cho nền kinh tế và TTCK. Tuy nhiên với việc chứng khoán đang trở nên quá rẻ, giới chuyên môn cho rằng các thông tin tiêu cực trong năm qua hầu hết đã phản ánh vào giá. Bên cạnh đó, khi các kênh đầu tư thông thường khác như vàng đã có mức tăng quá mạnh trong mấy năm qua thì cơ hội đầu tư vào chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn. Ví dụ như với giá vàng 35 triệu đồng/lượng, để được lợi nhuận gấp đôi giá vàng phải đạt được 70 triệu đồng, trong khi rất nhiều mã chứng khoán giá còn thấp hơn cả mệnh giá và việc chứng khoán tăng gấp đôi giá hiện tại rõ ràng là dễ dàng hơn rất nhiều (tương tự như vậy đối với một số kênh đầu tư khác như ngoại hối hay bất động sản...). Chưa kể chứng khoán còn được cổ tức, thưởng... còn vàng ngoài việc tăng giá chỉ có thể gửi ngân hàng mà lãi suất gửi vàng hiện đang rất thấp.

Tổng kết lại những yếu tố kể trên và nếu tính theo chu kỳ thì năm 2011 sẽ là năm bản lề của thị trường khi thị trường đang từng bước đi vào giai đoạn tích lũy đồng thời hứa hẹn nhiều triển vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới sau một chu kỳ giảm giá dài hạn từ năm 2007.