Thị trường chứng khoán năm 2009 - Dè dặt và hy vọng

Hải Phan

TCTC - Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lại thêm những diễn biến mới. Dù giá chứng khoán vẫn rất rẻ nhưng nói về bối cảnh của thị trường trong năm 2009, hầu hết các chuyên gia kinh tế - tài chính đều đưa ra những nhận định dè dặt... Bởi vậy, với NĐT chứng khoán, yếu tố cần thiết lúc này là lòng kiên nhẫn.

 

  Bức tranh chưa sáng màu

Nhìn lại suốt một chặng đường của VN - Index từ đầu tháng 1/2009 tới nay, dù thị trường liên tục trồi sụt nhưng xu hướng giảm giá vẫn là chủ đạo. Những thông tin tích cực trong nước như Chính phủ đã hiện thực hóa gói kích cầu 17.000 tỷ đồng trở nên chìm khuất giữ những con số rất đáng bi quan của kinh tế thế giới. Xét một cách toàn cục, rất khó để lạc quan khi mà dường như lúc này cả thế giới mới ngấm đòn của khủng hoảng tài chính. Tại thị trường Mỹ, một lần nữa chỉ số Dow Jones "thủng đáy" 8.000 ngay sau lễ nhậm chức của ông Barack Obama, báo hiệu trọng trách vực dậy nền kinh tế đang đè rất nặng lên vai vị tân Tổng thống trẻ tuổi.

      Những ngày cuối tháng 1/2009, các đầu tàu kinh tế châu Á - khu vực bị tác động ít nhất của khủng hoảng tài chính là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã công bố một loạt chỉ số kinh tế gây "sốc" với toàn cầu. Cụ thể, xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 12/2008 đã sụt giảm chưa từng có với 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu và lợi nhuận "lao dốc" khiến nhiều công ty lớn như Toyota, Sony, Honda… tiến hành cắt giảm hàng ngàn việc làm và đóng cửa nhiều dây chuyền sản xuất. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, có GDP nước này trong quý 4/2008 tăng trưởng 6,8%, thấp nhất trong vòng 7 năm qua. 
      Các dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế này trong năm 2009 rất khác nhau, nhưng đều là những con số thấp nhất từ năm 1990 tới nay. Morgan Stanley dự báo, trong 2009, kinh tế Trung Quốc chỉ có thể tăng trưởng ở mức 5,5%, và lạc quan nhất là Ngân hàng Thế giới cũng chỉ dự báo, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 7,5%. Trong khi đó, kinh tế Hàn Quốc quý 4/2008 tăng trưởng âm 5,6%, sau khi đã tăng trưởng âm 0,5% trong quý 3. Năm 2008, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,5%, thấp nhất từ năm 1998.

   Thử thách lòng kiên nhẫn

Có những lúc, hành động mua vào bằng được cổ phiếu đem lại thắng lợi lớn cho NĐT. Tuy nhiên, không ít thời điểm, quyết định vội vã này đồng nghĩa với “tự sát”. Cho đến thời điểm này, khi được hỏi về chỉ số VN - Index vào cuối năm 2009, rất nhiều chuyên gia đã từ chối đưa ra dự báo. Chính vì vậy, “kiên nhẫn và kiên nhẫn” là khẩu hiệu một số công ty chứng khoán đưa ra với NĐT lúc này.

“Kiên nhẫn và kiên nhẫn” ở đây được hiểu là phải biết chờ đợi tín hiệu tham gia thị trường an toàn, trong thời điểm “tiền mặt là vua”. Theo quan điểm của nhóm phân tích kỹ thuật Vietstock thì trong những ngày này, các dòng vốn ngắn hạn tốt nhất là nên “đứng ngoài thị trường”. Đối với các dòng vốn trung và dài hạn, đây là cơ hội bán đi các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng thấp, bị ảnh hưởng lớn bởi suy thoái và khủng hoảng tài chính thế giới để mua vào những cổ phiếu ít bị ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, cũng theo nhóm này, NĐT cũng không đi đâu mà vội bởi các tín hiệu cho thấy thị trường rất có thể sẽ còn một đợt sụt giảm nữa.

      Ông Trần Vũ Minh Hải, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á cho rằng, TTCK Việt Nam rất có thể sẽ kiểm tra đáy kỹ thuật 284 điểm và ngưỡng hỗ trợ tâm lý 300 điểm, ngưỡng kháng cự 320 điểm. Thị trường sẽ trải qua một mùa hè buồn tẻ, với giá chứng khoán dao động trong biên độ hẹp, trước khi phục hồi nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2009 và có thể sẽ chinh phục mốc 400 điểm. Còn ông Lê Anh Thi, Giám đốc Tư vấn Tài chính – Công ty Chứng khoán Âu Việt đưa ra quan điểm: "Xác định lợi nhuận năm 2009 là một điều rất khó tại thời điểm hiện nay khi mà ngay cả doanh nghiệp cũng chưa rõ “mặt mũi” kinh tế và triển vọng sẽ ra sao... Trong bối cảnh không chắc chắn như vậy và các phương pháp phân tích “nhanh” như phân tích kỹ thuật và P/E, P/B không phát huy được tác dụng, các NĐT nên xác định tầm nhìn dài hạn hơn và quay về phân tích cơ bản, đặc biệt coi trọng các giá trị, năng lực bền vững của doanh nghiệp như thị phần trong nước, thương hiệu, cơ sở khách hàng, công nghệ khác biệt".

      Đây là thời điểm, NĐT cần phải rất tỉnh táo và sáng suốt, đồng thời nên xác định đầu tư dài hạn từ một năm trở lên.